Doanh nghiệp
Doanh nghiệp gia đình có nằm ngoài xu thế phát triển bền vững?
Thanh Huyền - 30/06/2018 07:54
Phát triển bền vững sẽ mang lại những giá trị cho doanh nghiệp về dài hạn, nhưng các doanh nghiệp gia đình liệu có sẵn sàng chấp nhận điều này, khi phải hi sinh một phần lợi nhuận trong ngắn hạn?

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng chia sẻ, một cụm từ được các nhà lãnh đạo nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra tháng 11/2017 tại Việt Nam là “bền vững, sáng tạo”.

Theo ông Lộc, bền vững đã trở thành “linh hồn” và định hướng của sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Phát triển bền vững không chỉ là những doanh nghiệp lớn, mà kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, cũng có thể tiếp cận và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Doanh nhân Vũ Tiến Dũng ngồi ở vị trí CEO tuần này

Thế nhưng, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức, tốn kém, chẳng hạn như thay đổi công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, ít gây hại cho môi trường. Nhưng đi cùng với đó là những lợi ích to lớn, những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Đó là đảm bảo khả năng tạo ra vốn và giá trị của cổ đông trong dài hạn.

Bởi vậy, vấn đề phát triển bền vững đã được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Từ những tập đoàn lớn như Vingroup, Vinamilk, BảoViệt… cho đến những doanh nghiệp nhỏ niêm yết trên sàn đều dành nhiều trang trong báo cáo thường niên hàng năm để nêu lên tầm nhìn của mình về phát triển bền vững.

Tiếp nối câu chuyện trong chương trình CEO - Chìa khoá thành công tuần trước, Vinesta - doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm, sở hữu 100% thuộc các thành viên trong gia đình đã tiến hành IPO và niêm yết thành công sau nhiều nỗ lực của CEO. Để hài hòa lợi ích đảm bảo cho việc IPO thành công, các thành viên chủ chốt của gia đình vẫn giữ quyền điều hành, chi phối.

Với tầm nhìn chiến lược của mình cũng như lắng nghe kiến nghị của các cổ đông và nhà đầu tư, CEO tiếp tục đề xuất với HĐQT về một kế hoạch xây dựng và tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững, đưa Vinesta vào danh mục chỉ số phát triển bền vững VNSI.

CEO thừa nhận, để đạt được mục tiêu này, Vinesta sẽ phải đầu tư thêm thời gian và nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường và xã hội. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn sẽ làm gia tăng giá trị vô hình và tính bền vững của Vinesta.

CEO thuyết phục các cổ đông rằng, giá trị doanh nghiệp khi đã lên sàn không chỉ dựa trên lợi nhuận hàng năm của hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố phi tài chính giúp doanh nghiệp cân bằng và phát triển bền vững hơn.

Mặc dù vậy, đề xuất này của CEO đã bị các thành viên HĐQT phản đối. Các thành viên HĐQT cho rằng, doanh nghiệp đã tốn nhiều công sức, tiền bạc trong tiến trình IPO. Giờ tiếp tục lên sàn và lọt top, chưa chắc doanh nghiệp đã có đủ sức bền.

“Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi đã đạt chỉ số VNSI, Vinesta lên sau, liệu có cạnh tranh nổi không. Đó là còn chưa kể tới “chiêu trò” gây nhiễu loạn thị trường của các ông lớn, khiến doanh nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng”, các thành viên HĐQT hoài nghi.

Các thành viên HĐQT cũng cho rằng, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trong top, có báo cáo rất tốt, nhưng về bản chất chưa chắc họ đã thực sự đầu tư vào chiến lược phát triển bền vững.

Đây có lẽ là một tình huống khó mà Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này đặt ra với ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ đại lý thuế và Tư vấn đào tạo Tâm Việt.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam: “Cơ hội thị trường trị giá 12.000 tỷ USD đến năm 2030 sẽ chỉ dành cho những doanh nghiệp thức thời, đưa phát triển bền vững vào trọng tâm của chiến lược hoạt động kinh doanh của mình”.

Doanh nhân Vũ Tiến Dũng sẽ phải thuyết phục các thành viên HĐQT như thế nào để có cơ hội trong thị trường 12.000 tỷ USD này. Câu trả lời sẽ có trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - nền tảng bền vững”.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (1/7) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (2/7) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme.
Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - Chìa khóa thành công của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Bia Hà Nội, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).

Tin liên quan