Doanh nghiệp
Doanh nghiệp gỗ phải liên kết mới bao được sân nhà
Hà Tâm - 21/05/2015 09:12
Vốn chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu, song nay, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam đang lập chiến lược để quay lại chiếm lĩnh sân nhà trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cận kề. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này.

Thưa ông, cuối năm 2015, AEC sẽ thành lập, thị trường đồ gỗ, nội thất nội địa dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Tuy nhiên, lâu nay, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ nước ta chỉ chú trọng xuất khẩu, mà ít quan tâm đến thị trường nội địa. Ông có nhận xét gì về điều này?

Theo số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ tư thế giới về xuất khẩu gỗ, với kim ngạch năm 2014 đạt 6,3 tỷ USD. Còn thị trường trong nước, tiêu thụ gỗ, mặt hàng đồ gỗ mỗi năm ước khoảng 2-2,7 tỷ USD. Theo đánh giá của chúng tôi, với hơn 90 triệu dân lại đang ở giai đoạn dân số vàng, kinh tế đang ở giai đoạn phát triển, thị trường nội địa có dung lượng lớn và nhiều tiềm năng. Đây chính là lý do để các DN đồ gỗ nỗ lực quay lại thị trường nội địa.

 

Cuối năm nay, AEC sẽ chính thức hình thành và các nước trong khu vực, như Thái Lan đã chuẩn bị rất kỹ. Trong những năm qua, DN nước này đã âm thầm mua nhiều siêu thị, cửa hàng lớn của Việt Nam và sẽ tận dụng mạng lưới này để đưa hàng hóa sang Việt Nam, trong đó đồ gỗ, nội thất, trong khi đó, DN Việt Nam lại chưa chuẩn bị gì.

Tôi cho rằng, ngay từ bây giờ, các DN, dù lớn hay nhỏ giữa hai miền Nam - Bắc cần phải hợp tác, liên kết, nếu không chúng ta sẽ thua các nước trong hội nhập.

Vậy HAWA có kế hoạch gì để thúc đẩy mối liên kết này và khai thác mạnh hơn thị trường nội địa, thưa ông?

Trong 5 năm gần đây, HAWA và một số đơn vị liên quan liên tục tổ chức Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí nội thất Việt Nam (VIFA HOME) tại TP.HCM để tiếp thị, quảng bá các sản phẩm đồ gỗ nội thất sản xuất tại Việt Nam tới thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong năm 2015, lần đầu tiên, VIFA HOME sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Chúng tôi vươn ra ra miền Bắc không chỉ để tìm hiểu và khai thác thị trường này, mà quan trọng hơn, chúng tôi có mục tiêu là thiết lập được mối liên kết với các DN phía Bắc. Vì muốn tồn tại lâu dài ở thị trường phía Bắc, DN phía Nam phải tìm được cơ sở sản xuất để hợp tác và ngược lại.

Ông có tự tin hàng nội địa có thể quay lại chiếm lĩnh thành công sân nhà?

Tuy đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu gỗ, nhưng không phải Việt Nam cứ ra được thế giới là có thể chiếm lĩnh được thị trường nội địa, vì thị hiếu của từng thị trường khác nhau.

Người Việt có thói quen “ăn chắc, mặc bền”, chuộng gỗ nguyên khối. Tuy nhiên, trên thế giới lại ưa chuộng gỗ nhân tạo. Khi nghiên cứu thị trường, chúng tôi thấy, khách hàng phía Nam chuộng phong cách Âu, Mỹ, còn người tiêu dùng phía Bắc hay sử dụng sản phẩm của các làng nghề theo phong cách truyền thống. Việc thị trường đón nhận ra sao còn phải đợi thêm một thời gian nữa, song các DN đang đầu tư nghiêm túc vào mẫu mã, kỹ thuật ở từng phân khúc để chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Theo ông, đâu là điểm yếu nhất trong liên kết giữa các DN ở nước ta?

Tôi lấy ví dụ, Đài Loan là một lãnh thổ nhỏ, rất ít DN lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của họ lại đạt cao vào loại nhất, nhì thế giới. Ngành gỗ của Đài Loan phát triển từ rất sớm và rất mạnh, DN Đài Loan sản xuất ra công nghệ máy móc, dây chuyền, thiết bị, đầu tư sang Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc… và đều biến những nước này thành các quốc gia xuất khẩu gỗ mạnh. Cách làm của họ là biết liên kết những DN nhỏ với nhau để sản xuất chuyên sâu. Ví dụ, để sản xuất ra một cái bàn, họ phân chia công việc cho một DN làm mặt bàn, một DN khác chuyên làm chân bàn, DN thứ ba chỉ làm phụ kiện… Cho nên, họ đầu tư máy móc không nhiều, chi phí quản trị thấp, vốn đầu tư thấp… và sản phẩm làm ra có giá thành hợp lý. Trong khi đó, khi hợp tác, các DN của nước ta lại rất hay nghi kỵ lẫn nhau.

Vì vậy, trong thời gian tới, mong muốn của chúng tôi là đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN. Tất nhiên, để hợp tác được với nhau, cần có ba yếu tố: phải có nhu cầu thực, phải tin nhau và hai bên cùng có lợi.

Tin liên quan
Tin khác