Doanh nghiệp hưởng lợi đầu tư công
Trong số các doanh nghiệp xây lắp, Tổng công ty xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đang có nhiều sự chú ý từ dư luận. Bởi trong năm 2022, tổng giá trị trúng thầu trong toàn hệ thống Vinaconex ở riêng mảng hoạt động xây lắp đạt trên 11.000 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ là trên 9.700 tỷ đồng.
Vinaconex cũng là doanh nghiệp đang thực hiện nhiều gói thầu có giá trị lớn trên cả nước, đồng thời tiếp tục tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia cũng như các công trình có vốn FDI quy mô lớn...
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã trúng thầu nhiều dự án lớn. Có thể kể đến như gói thầu số 09/TP2 - XL thuộc Dự án thành phần 2.1 - Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Giá trị trúng thầu 1.816 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm; gói thầu 03-XL thuộc cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang (giai đoạn 1), với giá trị xây lắp gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 30 tháng.
Trước đó, Vinaconex vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 bao gồm: Gói thầu XL04 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giá trị 3.225 tỷ đồng); Gói thầu số 14-XL đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45 (giá trị gần 2.500 tỷ đồng); Gói thầu 03-XL đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (giá trị gần 2.300 tỷ đồng).
Cuối năm 2022, Vinaconex trúng gói thầu thi công xây lắp Dự án thành phần 1, đoạn Km11+240 - Km26+500 thuộc Dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (Võ Chí Công) với tổng mức đầu tư 2.056,76 tỷ đồng.
Vinaconex đã và đang thi công hàng trăm dự án, từ xây dựng dân dụng, công nghiệp đến những dự án có kết cấu hạ tầng giao thông quy mô lớn có yêu cầu kỹ thuật cao trên khắp mọi miền đất nước, song hành với sự phát triển của quốc gia. |
Vinaconex cũng đang triển khai một số gói thầu lớn tại dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 như: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (giá trị 6.000 tỷ đồng); gói thầu XL01 đoạn Vũng Áng - Bùng (giá trị 3.900 tỷ đồng) hay gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (giá trị 3.500 tỷ đồng).
-Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chính phủ nêu rõ phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
-Dự kiến vốn đầu tư công phân bổ giai đoạn 2021-2025 lên tới 2,87 triệu tỷ đồng (tăng 43,5% so với giai đoạn 2016 - 2020) với các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 2.
-Để hoàn thành kế hoạch, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân rất lớn, khoảng 630.000 tỷ đồng/năm (cao hơn 84% trung bình vốn đầu tư công giải ngân/năm giai đoạn 2016 - 2020) trong giai đoạn 2023 - 2025.
-Kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn hơn 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu.
Vinaconex đang kinh doanh ra sao?
Vinaconex được thành lập năm 1988, tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, đến năm 2006, doanh nghiệp này đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối.
Năm 2008, cổ phiếu của Tổng công ty chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã VCG. Kể từ đây, Tổng công ty định hướng phát triển tập trung vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, hoàn thiện phương thức quản lý, điều hành.
Năm 2018, thực hiện chủ trương của Chính phủ, hoàn tất việc thoái vốn toàn bộ tại Tổng công ty. VINACONEX chính thức trở thành doanh nghiệp không còn vốn nhà nước. Hai năm sau đó, cổ phiếu VCG chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường đạt gần 18.500 tỷ đồng.
Quay lại câu chuyện kinh doanh của Vinaconex, theo Báo cáo tài chính quý I/2023, hoạt động chính của Vinaconex là đầu tư và kinh doanh bất động sản, thi công xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng dịch vụ (hạ tầng khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, phát điện, giáo dục...). Vinaconex có 9 đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, Vinaconex có 11 công ty liên kết và đầu tư tài chính, 20 công ty có vốn góp chi phối.
Về hoạt động kinh doanh, Vinaconex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến bằng 92% thực hiện năm 2022, tức đạt 860 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ, Vinaconex kỳ vọng tổng doanh thu công ty mẹ đạt 10.270 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 345 tỷ, tăng lần lượt 25% và 22% so với năm 2022.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2023, ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.965 tỷ đồng, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp vẫn đóng vai trò chủ đạo khi mang về 1.378 tỷ đồng (tăng 55%) hoạt động cho thuê, cung cấp dịch vụ 225 tỷ đồng, doanh thu sản xuất công nghiệp 148 tỷ đồng và doanh thu kinh doanh bất động sản 139 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 736,5 tỷ đồng về còn 93 tỷ đồng, chủ yếu do không còn 598 tỷ đồng khoản lãi do mua rẻ công ty con.
Lợi nhuận ở mức 315 tỷ đồng. Với các chi phí hoạt động duy trì ở mức cao, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 19 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 780 tỷ đồng của cùng kỳ 2022.
Nhận định về năm 2023, ban lãnh đạo Vinaconex cho biết, lĩnh vực xây dựng được dự báo sẽ có sự phân hoá mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp, trọng điểm phát triển được kỳ vọng ở nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp. Trong đó các dự án đầu tư công vẫn mang tính dẫn dắt. Đối với hoạt động xây dựng, công ty sẽ cố gắng gia tăng thị phần trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp, nhất là các dự án có vốn đầu tư công...