Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho biết, thời gian qua, việc ban hành các chính sách của Chính phủ và TP. Hà Nội đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ và TP. Hà Nội sau đại Covid-19 được cộng đồng đánh giá cao.
Trong năm 2023, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại kinh tế để phục hồi và phát triển bền vững. (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh nhận định, tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất. Một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Trong đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) cho rằng, việc giải ngân còn chậm. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn; đặc biệt là từ Quý II/2022 trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng…
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, vừa qua, chính sách về việc nới room tín dụng là một tín hiệu tốt song vẫn là chưa đủ với “cơn khát vốn” của doanh nghiệp. Ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ niềm vui, song lại không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ này.
Thiếu tài sản thế chấp; quản trị dòng tiền kém; kế hoạch kinh doanh thiếu minh bạch, khả thi, là những thách thức thường gặp của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng. Khát vốn là thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Dù thời gian gần đây, chính sách vay vốn đã cởi mở hơn, các ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng.
Theo ông Mạc Quốc Anh, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. |
Tại buổi đối thoại, bên cạnh khó khăn lớn nhất về nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những vướng mắc liên quan đến việc ký lại các Hợp đồng thuê đất theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ và việc nộp thuế đất.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Công ty Hanel cho biết, Công ty Hanel đã hoàn thành cổ phần hóa, ngày 27/6/2017, đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngày 13/12/2018, Công ty Hanel hoàn thành xong việc bàn giao từ Công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần.
Theo khoản b mục 2 điều 43 của Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về việc:“Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, doanh nghiệp cổ phần có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật...”.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại (hơn 5 năm chuyển sang công ty cổ phần) Công ty vẫn chưa được ký lại các Hợp đồng thuê đất. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý tài sản đất đai sau cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, theo bà Bùi Thị Hải Yến, từ khi chuyển sang Công ty cổ phần đến thời điểm hiện nay, Công ty Hanel đang phải thực hiện nộp tiền thuê đất tại Khu công nghiệp Sài Đồng B với đơn giá mới cho toàn bộ diện tích 24,42ha trong đó bao gồm hơn 10ha là diện tích giao thông công cộng, vỉa hè, cây xanh phục vụ tiện ích công cộng (đặc biệt trong đó bao gồm một phần diện tích Đường Huỳnh Tấn Phát hiện nay là đường giao thông của Thành phố).
“Về vướng mắc này, Công ty Hanel đã xin hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên đến nay Công ty Hanel chưa nhận được hướng xử lý”, bà Bùi Thị Hải Yến nói.
Do chưa được giải quyết, nên đến thời điểm hiện nay Công ty Hanel vẫn phải nộp số tiền thuê đất hàng năm cho phần diện tích sử dụng chung trong Khu công nghiệp Sài Đồng B khoảng hơn 6 tỷ đồng. Như vậy làm tăng chi phí phát sinh, giảm lợi nhuận của Công ty hàng năm khoảng hơn 6 tỷ đồng.
Đây là một điều bất cập vì theo khoản 2 Điều 149 Luật đất đai, các diện tích đất này được miễn và hơn thế nữa, hiện nay Thành phố đã cắm biển tên phố và yêu cầu Hanel mở rào để dân sinh đi lại, nhưng Hanel vẫn phải trả thuế đất cho tất cả các con đường và vỉa hè, khu trồng cây xanh tại Khu công nghiệp.
Cũng theo Tổng giám đốc Công ty Hanel, việc mở đường cho dân sinh trong Khu công nghiệp làm ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh của Khu công nghiệp, điển hình là đường Huỳnh Tấn Phát đang là đường giao thông Thành phố.
Đặc biệt ngày 29/11/2022, tại đường đi trong nội Khu công nghiệp do Hanel quản lý có thêm biển đường tên phố Nguyễn Ngọc Châu thực hiện theo Quyết định số 5450/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND TP. Hà Nội mà Hanel không biết do không nhận được thông báo.
Bà Bùi Thị Hải Yến mong muốn nhận được sự quan tâm của các sở, ngành và UBND TP. Hà Nội để giải quyết khó khăn, thúc đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại Hanel nhằm thu hút được các nguồn vốn để triển khai một số dự án trọng điểm của TP. Hà Nội như Dự án Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, cũng như giúp phát triển định hướng về khoa học công nghệ của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, khoa học công nghệ như Hanel.
Tại Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022”, sau khi lắng nghe 12 ý kiến của doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP. Hà Nội đã tiếp thu, giải trình và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp. Trong thời gian tới, thông qua các đề án, dự án khoa học công nghệ, Sở tiếp tục tham mưu TP. Hà Nội tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm tạo ra công nghệ sản xuất, sản phẩm mới, hỗ trợ đưa sản phẩm mới ra thị trường.
Đề cập về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và hội nhập, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) trên địa bàn TP.
Theo đó, TP. Hà Nội đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường.
Đặc biệt, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, cùng với các sở, ngành, Sở Công Thương tham mưu UBND TP. Hà Nội những giải pháp tập trung: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp; đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước tham gia FTA.
Về các vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án trên địa bàn TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân thông tin, đối với các dự án đầu tư còn vướng mắc cần tháo gỡ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tiến hành kêu gọi đầu tư, Sở sẽ nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật liên quan và có văn bản cụ thể tham mưu UBND TP. Hà Nội.
Đối với các dự án đầu tư công, Sở tham mưu TP. ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng và chọn nhà thầu có năng lực thi công dự án; định vị từng dự án và cố gắng không điều chỉnh tổng mức dự án.
Trong năm 2023, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại kinh tế để phục hồi và phát triển bền vững; tiếp tục coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm; kịp thời cập nhật thông tin về thị trường các nước, kết nối nhu cầu hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp đón bắt các làn sóng đầu tư, thương mại trên thế giới…