Doanh nghiệp
Doanh nghiệp khát lao động
Thế Hải - 23/12/2021 10:28
Thiếu lao động là tình trạng mà các doanh nghiệp phải đối mặt ở thời điểm hiện tại và nửa đầu năm 2022.
Phần lớn các doanh nghiệp thuộc các ngành thâm dụng lao động đều thiếu hụt lao động ảnh: đức thanh

Thiếu lao động trầm trọng

Để thích ứng với tình hình mới, vừa phục hồi sản xuất, vừa phòng chống dịch an toàn, hiệu quả, các doanh nghiệp đang phải giải bài toán tuyển dụng đủ lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ từ biến thể mới gia tăng, một bộ phận lao động chưa mặn mà trở lại các công xưởng.

Nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP.HCM công bố hôm 17/12 cho biết, từ quý IV/2020 đến quý III/2021, đã có 1,3 triệu lao động rời Thành phố. Mới có khoảng 377.000 trong số đó quay lại làm việc (chiếm tỷ lệ khoảng 29%). Dự kiến, sau Tết Nguyên đán, sẽ có khoảng 520.000 người quay lại (40,3%) Thành phố, khoảng 230.000 người chưa có kế hoạch và 140.000 người cho biết sẽ không quay lại.

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam bộ. Trong đó, TP.HCM là một trong những địa phương có tỷ lệ thiếu hụt cao, xấp xỉ khoảng 32%. Cuối năm, đơn hàng gia tăng, nhiều đơn vị đã nhanh chóng triển khai các chính sách ưu đãi để thu hút và giữ chân người lao động.

doanh nghiệp cần có chính sách đối thoại, chăm lo đời sống, cải thiện thu nhập cho người lao động để duy trì lực lượng, đảm bảo có thể sản xuất thông suốt trong điều kiện bình thường mới, đáp ứng tốt các đơn hàng mà các nhãn hàng quốc tế vẫn tin tưởng đặt hàng tại Việt Nam trong năm 2022.

- Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC)

Khi hoạt động lại vào đầu tháng 10/2021, phần lớn các doanh nghiệp thuộc các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép, điện tử… đều thiếu hụt lao động trầm trọng, trong khi đơn hàng lại dồi dào. Nguyên nhân là công nhân về quê sau đợt “di dân” lớn nhất vẫn chưa quay trở lại nhà máy tham gia sản xuất.

Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư và Thương mại Thành Công (TCM), nhà máy của Công ty ở Vĩnh Long chuyên sản xuất cho hãng thể thao Adidas, nhưng không dám nhận nhiều đơn hàng do lo không đủ lao động để sản xuất.

Không ít doanh nghiệp thừa nhận, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, chậm đáp ứng các đơn hàng lớn, có thể đánh mất các cơ hội nếu không sớm có đủ nguồn lực để sản xuất hết công suất. Việc thiếu hụt lao động được nhận định có thể tăng cao vào cuối quý I và quý II/2022, khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại với công suất cao.

Bài toán giữ nhân lực

Dù các địa phương phía Bắc không bị thiếu hụt lao động nặng nề như phía Nam, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải có giải pháp giữ nhân lực. Là một trong những doanh nghiệp phải dừng sản xuất 35 ngày do có người lao động mắc Covid-19, Công ty cổ phần May Đáp Cầu cho biết, sản xuất bị đứt gãy, nhưng Công ty vẫn thanh toán các khoản phí cơ bản đễ hỗ trợ người lao động.

Cụ thể, May Đáp Cầu trả lương hỗ trợ cho toàn bộ trên 1.800 công nhân, người lao động, với số tiền trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng từ nguồn quỹ dự phòng tiền lương, quỹ phúc lợi xã hội, quỹ dự phòng tài chính. Ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc Công ty cho biết, cách ứng xử này của doanh nghiệp đã khiến người lao động thêm gắn bó, 70% lao động đã trở lại ngay sau khi nhà máy vận hành trở lại và hiện giờ đạt 90%.

Một doanh nghiệp giày dép quy mô 5.000 lao động tại Hưng Yên cho biết, năm 2021, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng 15%, các chỉ tiêu đều cán đích, nhưng lợi nhuận không là bao do đã tập trung chi trả nâng cao đời sống của người lao động (tăng lương 8%), nhằm “bảo toàn lực lượng”.

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành điện tử, đồ gỗ cũng chọn cách tăng lương, trả nguyên lương trong trường hợp lao động không may là F0... để giữ chân lao động. Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, dù công nhân ở nhà, nhưng Công ty vẫn trả lương đầy đủ, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, thuốc men để họ yên tâm vượt qua dịch bệnh và sớm trở lại làm việc bình thường.

Thực tế, vấn đề đảm bảo đủ lao động đang là trở ngại cho việc phục hồi chuỗi cung ứng. Khảo sát của ERC thực hiện vào tháng 11/2021 cho thấy, tỷ lệ lao động quay trở lại sản xuất sau dịch tại các nhà máy phía Nam là 75-80%. Những doanh nghiệp có trả lương và hỗ trợ người lao động trong giãn cách đã phục hồi trên 80% nhân lực trong hơn một tháng. Trong khi đó, với những doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc không hỗ trợ, tỷ lệ người lao động ngừng việc lên tới 25-50%.

Bài toán thiếu hụt lao động sẽ được giải quyết phần nào nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội. Mới đây, Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động cũng nhấn mạnh đến các chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt tối thiểu, chi phí đi lại, y tế, sắp xếp nơi ở tạm thời, hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt…

Chương trình đặt ra mục tiêu là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; hỗ trợ người làm động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.

Tin liên quan
Tin khác