Chuyển đổi số - Kinh tế số
Doanh nghiệp khoa học công nghệ khó tiếp cận vốn ngân hàng
Nguyễn Ngân - 02/04/2023 09:46
Dù nằm trong nhóm được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận vốn, ưu đãi vay vốn, thế nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) cho biết, họ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Vướng mắc đủ đường

Ông Mai Quốc Ấn, Giám đốc Công ty KHCN châu Âu cho biết, doanh nghiệp của ông đã sản xuất gạch KHCN được 12 năm, được chứng nhận doanh nghiệp KHCN 6 năm. Năm 2016, Công ty KHCN châu Âu có giải pháp KHCN được bảo hộ 10 năm và được nâng cấp độ có sáng chế được bảo hộ độc quyền 20 năm. Sản phẩm gạch KHCN của công ty đáp ứng được 3 chiến lược lớn của quốc gia là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và chiến lược KHCN. Tuy nhiên, tới nay đã sang tới năm thứ 13 hoạt động, nhưng doanh nghiệp của ông vẫn không vay được vốn ngân hàng.

Theo ông Ấn, dù đã có những văn bản luật hướng dẫn rõ ràng về việc hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp KHCN, song khi làm việc với ngân hàng thì mỗi ngân hàng, hoặc thậm chí cùng một ngân hàng, một chi nhánh lại có những cách hiểu, giải thích khác nhau, không thống nhất.

“Có hàng trăm hướng dẫn của Nhà nước được quy định trong luật KHCN, luật chuyển giao công nghệ, nhưng chúng tôi không được vay gì hết. Ngân hàng đưa ra lý do từ chối cho vay không đúng luật, nhưng văn bản của ngân hàng là văn bản dưới luật, ngân hàng cần tuân thủ luật trước đã”, ông Ấn nói.

Cụ thể, theo luật KHCN, nếu doanh nghiệp làm ra sản phẩm KHCN thì sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ thương mại, được cấp đất, miễn thuế. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp không được hưởng những ưu đãi này khi làm việc với ngân hàng.

“Chúng tôi bị hạn chế đến mức có một chi nhánh ngân hàng đồng ý cho vay, nhưng áp giá nhà nước. Khi đó, doanh nghiệp tôi cần vay 2 tỷ đồng, thế chấp một căn nhà giá 2,5 tỷ đồng. Bình thường thì sẽ vay được, nhưng khi vay KHCN với lãi suất thấp thì phía ngân hàng định giá căn nhà chỉ có 230 triệu đồng. Chúng tôi đã phải bán căn nhà đi làm vốn”, ông Mai Quốc Ấn bức xúc.

Tương tự, ông Nguyễn Thượng Quân, Nhà sáng lập, CEO Công ty cổ phần công nghệ tích hợp Sao Nam cho hay, dù doanh nghiệp của ông có lợi nhuận tăng trưởng ổn định, dòng tiền tốt, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn về vốn ngân hàng do lãi suất quá cao.

Ở thời điểm hiện tại, khi doanh nghiệp ngày càng phát triển, các dự án Sao Nam nhận cũng ngày càng lớn, đòi hỏi số vốn cao hơn, khiến ông Quân cùng doanh nghiệp của mình rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bởi nếu không làm thì doanh nghiệp sẽ khó phát triển, nhưng nếu làm thì lại gặp khó khăn khi vay vốn.

Thậm chí, có doanh nghiệp cho biết, khi họ vay ngân hàng thông qua quỹ KHCN, phía ngân hàng thông báo, doanh nghiệp này phải ký hợp đồng tư vấn tài chính 3% trên số tiền vay. “Đây là con số rất lớn. Ví dụ tôi vay 24 tỷ đồng, 3% sẽ là 720 triệu đồng và phải ký hợp đồng mẫu là 50 triệu đồng nữa. Trong tình hình kinh tế khó khăn, tiền mặt cạn kiệt mà doanh nghiệp phải đối diện với những mức phí lớn như vậy sao có thể phát triển được”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Tự xoay xở

Trong khi chờ Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc vay vốn ngân hàng, các doanh nghiệp KHCN phải tự xoay xở để duy trì hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp đã chọn cách đầu tư thận trọng hơn, cắt giảm những chi phí không thiết yếu nhằm tiết kiệm tài chính.

Ông Nguyễn Thượng Quân cho biết, nguồn vốn eo hẹp, lãi suất cao khiến doanh nghiệp không thể vay quá nhiều, Sao Nam chọn cách cắt giảm chi phí ở phần hành chính, nhân sự, marketing, chỉ giữ lại những chi phí tối thiểu đủ để duy trì hoạt động doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trước khi nhận thực hiện bất kỳ dự án nào, ông cùng đội ngũ của mình cũng thực hiện sàng lọc, đánh giá rủi ro một cách kỹ càng, tránh đầu tư tràn lan, kém hiệu quả.

Đối diện với tình trạng không thể vay được vốn ngân hàng, Công ty KHCN châu Âu cho biết, tự doanh nghiệp đã xoay xở được nguồn tài chính nhờ sản phẩm tốt.

Cụ thể, với sản phẩm gạch KHCN nhẹ hơn, rẻ hơn, nhưng bền hơn, các loại gạch của Công ty có sức cạnh tranh rất tốt trên thị trường xây dựng.

“Có những dự án, công trình lớn sẵn sàng đi xa để khảo sát chất lượng sản phẩm cẩn thận, đồng thời bỏ ra nhiều chi phí vận chuyển hơn để mua sản phẩm của chúng tôi”, ông Mai Quốc Ấn chia sẻ.

Cũng theo ông Ấn, để làm được điều này, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn công trình xanh. Tuy vậy, đây chỉ là những giải pháp tự thân của doanh nghiệp, cần có sự chung tay từ phía Ngân hàng Nhà nước, các cấp chính quyền, ban, ngành gỡ vướng mắc về vốn cho doanh nghiệp KHCN thì mới tạo được bước phát triển lâu dài, vượt bậc.

Tin liên quan
Tin khác