Nhận định trên được bà Lê Thị Hoài Thương - Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta – Hành động của chúng ta” do Báo Đầu tư tổ chức.
Theo đại diện Nestlé, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, và đây cũng là mục tiêu của Tập đoàn Nestlé. Để đạt mục tiêu này, từ 2018, tập đoàn đã áp dụng các tính toán khoa học, từ đó xác định phạm vi nào đang phát thải nhiều nhất và giải pháp đưa ra là gì để đạt mục tiêu.
Ở vị trí của một tập đoàn thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới, hiện diện tại 186 quốc gia và sở hữu hơn 2.000 nhãn hiệu khác nhau, Nestlé xác định nguồn cung ứng chiếm hơn 70% lượng phát thải của tập đoàn trên toàn cầu.
Đây là lý do tập đoàn tập trung vào yếu tố phát thải từ chuỗi cung ứng. Ví dụ, với tư cách là nhà thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam, Nestlé đã kết hợp với nhà quản lý, các trung tâm khuyến nông và người nông dân để thực hiện các chương trình nông nghiệp lấy người nông dân làm trọng tâm.
Cụ thể, tập đoàn đã kết nối với 21.000 hộ nông dân, đồng hành cùng họ trong quá trình tái canh hơn 63,5 triệu cây cà phê tại Tây Nguyên. Không chỉ cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ người nông dân chuyển đổi giống cây, Nestlé cũng hướng dẫn họ các biến pháp canh tác bền vững và tiến hành thử nghiệm kiểm đếm lượng CO2 thải ra trong quá trình canh tác. Tập đoàn ứng dụng công nghệ số để tính toán được nguồn đầu vào - đầu ra, giúp người nông dân thấy được hiệu quả khi thay đổi tập quán trồng trọt.
Bà Lê Thị Hoài Thương - Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao, Nestlé Việt Nam. Ảnh: Chí Cường. |
Từ năm 2020, chiến lược phát triển bền vững của Nestlé được xác định không chỉ dừng lại ở mục tiêu và hành động “bền vững” mà phải hướng tới cách tiếp cận toàn diện để “tái tạo” và “tái sinh” cho hệ sinh thái tự nhiên (Regeneration). Các nhóm tác động này sẽ được gắn kết chặt chẽ để cùng hướng tới mục tiêu bảo tồn tài nguyên cho thế hệ tương lai, tiếp tục hỗ trợ và gắn kết với các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (SDGs).
Về kinh tế tuần hoàn, trong nhà máy sản xuất của Nestle, Công ty có thể sử dụng nguồn rác thải từ bã cà phê để tạo thành chất đốt thay dầu diesel, hoặc làm thành gạch không nung, cung cấp nguyên liệu xây dựng các nhà máy…
Đáng chú ý, trong năm 2024, khi quy định EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường) chính thức có hiệu lực, vấn đề tái chế bao bì sẽ là thách thức không nhỏ với các nhà sản xuất.
Bà Thương cho biết, Nestle đã xây dựng chương trình tiếp cận để giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế… bao bì. Tập đoàn cũng sở hữu Viện nghiên cứu bao bì tại Thuỵ Sĩ để thiết kế bao bì có thể tái chế được.
Đến cuối 2021, 100% sản phẩm uống liền của Nestlé Việt Nam đã chuyển sang sử dụng ống hút giấy có chứng nhận FSC. Ngoài ra, gần 90% bao bì sản phẩm của tập đoàn đã được thiết kế để có thể tái chế và tái sử dụng. Những thay đổi tích cực này giúp giảm gần 2.400 tấn rác thải nhựa ra môi trường (2021 và 2022).
Nhấn mạnh tới yếu tố đồng hành, bà Thương đánh giá các doanh nghiệp như Nestlé phải hợp tác với nhiều bên, chủ động tham gia kiến tạo và đồng hành với các đối tác để có thể thay đổi nhận thức nhân viên, người tiêu dùng và cả cộng đồng.
Chẳng hạn, Nestlé Việt Nam là thành viên Liên minh Chống rác thải nhựa Việt Nam, đồng hành cùng Trung tâm Truyền thông của Bộ Tài nguyên Môi trường và Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội tổ chức lễ phát động Ngày Môi trường, phối hợp cùng các đối tác khác tổ chức nhiều hoạt động và chiến dịch để giúp nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành vi hướng đến bảo vệ môi trường cho học sinh…