Chuyển đổi số - Kinh tế số
Doanh nghiệp logistics bắt nhịp chuyển đổi số
ThS. Nguyễn Hoàng Nam - 14/01/2024 09:56
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang đổi mới hoạt động kinh doanh, chủ động chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh toàn cầu.
Ảnh minh họa

Chủ động bắt nhịp

Mới đây, báo cáo của Agility ghi nhận, năm 2023, Việt Nam xếp hạng thứ 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Thời gian qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận, vận tải trong ngành logistics Việt Nam đã có sự chuẩn bị tích cực trong hoạt động chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số để bắt nhịp dòng chảy thị trường.

Một trong những doanh nghiệp có sự bắt nhịp xu hướng đa dạng thông qua đổi mới công nghệ số là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (công ty con của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) triển khai cổng container tự động (autogate) từ tháng 3/2022 tại cảng Đà Nẵng. Autogate thực hiện kiểm tra, nhận dạng mã container; nhận diện biển số xe đầu kéo/rơ moóc; điều khiển tự động đóng/mở barrie, đọc chỉ số đầu cân điện tử dựa trên việc áp dụng thuật toán và trí tuệ nhân tạo, đồng thời, gửi các thông tin qua ứng dụng trên điện thoại di động cho bên vận chuyển.

Vận hành autogate giúp loại bỏ việc sử dụng giấy để góp phần bảo vệ môi trường, tránh tiếp xúc trực tiếp. Việc thanh toán phí dịch vụ được thực hiện qua ví điện tử, có áp dụng chữ ký số và sử dụng robot để xuất hóa đơn tự động, giúp rút ngắn tối đa thời gian lái xe dừng tại cổng để làm thủ tục. Theo ghi nhận cảng Đà Nẵng, sau khi ứng dụng autogate, thời gian chờ đã giảm từ 3 - 4 phút, xuống còn 25 - 30 giây cho mỗi lượt xe container.

Tương tự, một công ty con khác của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã hoàn thiện và ứng dụng hệ thống giao nhận cổng tự động (smart gate) từ tháng 5/2023 tại chi nhánh cảng Tân Vũ. Với tính năng tương tác trực tuyến và thu thập dữ liệu từ xa, smart gate hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khi qua cảng, giúp giảm chi phí và thời gian chờ. Báo cáo của cảng Tân Vũ ước tính, thời gian lái xe dừng tại cổng để làm thủ tục đã giảm từ 3 - 5 phút/xe container xuống chỉ còn 10 - 25 giây.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng là doanh nghiệp điển hình chủ động hội nhập kinh doanh trong hoạt động chuyển đổi số. Không chỉ vận hành, giám sát quy trình sản xuất dịch vụ thông minh thông qua hệ thống quản lý điều hành vận tải (OTM), phần mềm dịch vụ cảng điện tử (ePort), hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM), công nghệ quản lý kho hàng điện tử (EWMS), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn còn xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại gắn với đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng cảng xanh bằng các phương thức vận tải xanh. Mục tiêu của Tân Cảng Sài Gòn là hướng đến bắt nhịp chuyển đổi xanh trong ngành logistics, phát triển doanh nghiệp trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.

Nâng cao năng lực, khẳng định vị trí

Việt Nam là đối tác trong lĩnh vực dịch vụ logistics của nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, các doanh nghiệp logistics của Việt Nam đều nỗ lực phát triển để nâng cao năng lực, khẳng định vị trí.

Đơn cử, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thiết lập hệ sinh thái các cơ sở logistics góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế cho vùng Đông Nam bộ. Tiêu biểu là tăng cường tối ưu hoạt động khai thác các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, cụm cảng biển sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ góp phần đáp ứng xu hướng gia tăng đội tàu có tải trọng lớn trên thế giới và gia tăng lượng hàng xuất nhập khẩu của khu vực.

Không chỉ là doanh nghiệp khai thác cảng biển có uy tín trong nước khi chiếm trên 56% thị phần sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển cả nước, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn còn khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế, với vị trí thứ 17/20 cụm cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất thế giới.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng rất nỗ lực nâng cao vị thế của vận tải biển quốc gia. Hiện số lượng đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chiếm hơn 30% thị phần đội tàu trong cả nước. Theo thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc, năm 2022, đội tàu Việt Nam xếp thứ thứ 22 trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực ASEAN.

Về phát triển thị trường, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hướng đến phát triển logistics khu vực thông qua việc phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa door to door (giao nhận tận nơi), phát triển thương mại dịch vụ qua biên giới và vận tải đa phương thức để tối ưu hóa dịch vụ logistics, với giá cả cạnh tranh. Mục tiêu đến năm 2035, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trở thành doanh nghiệp logistics đường biển tích hợp số 1 của Việt Nam, hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có phạm vi hoạt động toàn cầu, phát triển trên nền tảng 3 trụ cột chính là khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics.

Tin liên quan
Tin khác