Du lịch
Doanh nghiệp lữ hành đón khách Nga như “ngồi trên đống lửa”
Hạnh Nguyên - 12/03/2022 08:27
Chiến sự giữa Nga - Ukraine khiến nhiều du khách Nga hủy tour du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành đón khách Nga đang “ngồi trên đống lửa”.
Khách Nga là nguồn quan trọng của ngành du lịch

Nhiều khách Nga hủy tour

Ông Nguyễn Đức Tấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, đơn vị đang thực hiện việc thí điểm đưa khách Nga có “hộ chiếu vắc-xin” đến Khánh Hòa cho biết, xung đột giữa Nga - Ukraina cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ, EU, khiến tỷ giá tiền tệ thay đổi. Đồng Rup giảm giá trị so với USD và EUR, đồng nghĩa với việc du khách Nga sẽ mất thêm chi phí khi đặt tour du lịch thông thường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý tiêu dùng của thị trường khách Nga, vốn rất quan trọng với du lịch Khánh Hòa nói riêng và ngành kinh tế xanh Việt Nam nói chung.

Hiện nhiều khách Nga đã hủy tour do đồng Rup mất giá, một số khác đã gác lại ý định đi du lịch vì lo ngại kinh tế sẽ gặp khó khăn vì lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với nền kinh tế Nga. “Chúng tôi đã ghi nhận tình trạng khách hủy tour từ trước Tết Nguyên đán, gần đây con số này cao hơn, lên gần gấp đôi do người Nga ngại đi du lịch thời điểm này. Công ty Anex Việt Nam đã giảm tần suất bay từ 8 chuyến/tháng, xuống còn 5-6 chuyến/tháng, vậy mà lượng khách cũng chưa lấp đầy chuyến bay, nên Công ty bù lỗ khá nhiều. Chúng tôi cảm giác đang ngồi trên đống lửa”, ông Tấn chia sẻ.

Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có thông tin chính thức về kế hoạch chi tiết, quy trình, quy định, điều kiện đối với du khách quốc tế, kèm theo đó là chính sách về visa để doanh nghiệp triển khai với các đối tác nước ngoài. Nếu không, việc mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam từ ngày 15/3 vẫn chỉ nằm trên giấy, bỏ lỡ mùa hè và cao điểm từ tháng 9 năm nay.

Theo ông Tấn, doanh nghiệp này vẫn đang triển khai đón khách quốc tế theo đề án giai đoạn II của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành trước đó. “Giai đoạn từ 15/3 chưa có quy định, chưa có gì cụ thể nên doanh nghiệp không thể xúc tiến các chương trình đón khách. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, khách du lịch có thể đến làm visa ngay tại sân bay, còn mình phải nộp hồ sơ trước ít nhất 5 ngày, như vậy rất bất tiện. Mặt khác, mới đây Bộ Y tế góp ý quy định du khách quốc tế phải cách ly 3 ngày, cùng những quy định phức tạp khác thì không ai muốn du lịch Việt Nam nữa”, ông Tấn phân tích.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, hiện chưa thể tăng tần suất hoặc xin phép mở chuyến bay từ quốc gia khác đến Việt Nam, dù quy định mở các chuyến bay thương mại quốc tế đã có. “Chúng tôi vẫn thực hiện các chuyến bay thuê bao nhưng tần suất hạn chế. Hiện các quốc gia nơi công ty tổ chức bán tour vẫn chưa nắm được việc Việt Nam đã mở cửa hàng không, họ đang nghĩ mình vẫn đóng cửa như thời điểm dịch bùng phát. Điều này vô hình trung ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đón khách, bán tour của doanh nghiệp lữ hành quốc tế”, CEO Anex quan ngại.

Cùng chung cảnh ngộ, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lữ hành Pegas Misr Việt Nam than: “Chúng tôi vừa vui mừng với thông tin Chính phủ cho phép du lịch hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/3, đang chờ đợi quy định cụ thể để triển khai thì chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Đồng Rúp đang bị mất giá mỗi ngày, trong khi ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua vẫn chưa có hồi kết. Với tình hình này, không biết bao giờ, chúng tôi mới có thể cất cánh. Doanh nghiệp lữ hành giờ không còn nước mắt để khóc rồi”.

Nghe ngóng tình hình

Nga và các nước Đông Âu là thị trường khách chủ yếu của các doanh nghiệp như Anex, Pegas Misr, Crystal Bay… trong nhiều năm nay. Việc chiến sự nổ ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình đón khách cũng như kế hoạch phát triển thị trường này thời gian tới của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Crystal Bay (Crystal Bay Group), nguồn khách Nga rất ổn định, có mức chi trả cao và mong muốn trở lại Việt Nam sau thời gian dài hạn chế đi lại vì dịch bệnh. Khách Nga đến Việt Nam chủ yếu đến từ 3 thành phố chính là Moskva, Novosibirsk và Vladivostok. Đây là thị trường “vàng” của du lịch Việt Nam. Trong lúc này, nếu như Công ty Anex chấp nhận bù lỗ cho những chuyến bay chưa kín chỗ, thì Pegas Misr, Crystal Bay chọn “án binh bất động” để nghe ngóng tình hình.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp lữ hành cho biết, việc đưa người Việt Nam đi du lịch Nga cũng gần như hết hy vọng, mọi tour tuyến outbound sang Nga dự kiến trở lại từ tháng 3 thì nay bị ngưng trệ, trong khi thường vào mùa hè (tầm tháng 6, tháng 7) hàng năm, người Việt đi Nga rất nhiều. Chưa kể, khách từ Nga kết hợp sang các nước châu Âu như Áo, Pháp...

Thực tế, thị trường Nga nói riêng và Đông Âu nói chung là một trong những dòng khách chủ lực, chỉ đứng sau thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc của ngành kinh tế xanh nhiều địa phương như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Phan Thiết (Bình Thuận), Đà Nẵng...

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, năm 2019, tỉnh Khánh Hòa đón 463.000 lượt khách Nga, chiếm hơn 70% lượng khách Nga đến Việt Nam. Tính riêng từ khi thực hiện thí điểm đón khách có “hộ chiếu vắc-xin”, từ giữa tháng 11/2021 đến nay, Khánh Hòa đã đón khoảng 5.000 khách Nga, chiếm 80% lượng khách quốc tế đến địa phương này. Du khách Nga đến Khánh Hòa có thời gian lưu trú khoảng 14 ngày/khách; chi tiêu khoảng 1.500 USD/người, tương đương 110 USD/ngày/khách.

“Trong bối cảnh thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn đang đóng cửa, ngành du lịch Khánh Hòa kỳ vọng vào thị trường khách Nga trong giai đoạn phục hồi du lịch và kế hoạch cả năm 2022. Thế nhưng, những biến động trên chính trường thế giới đã khiến việc phục hồi du lịch gặp khó khăn hơn”, bà Thanh nói.

Tin liên quan
Tin khác