Đà Nẵng đã hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ. |
Tín hiệu khả quan
Khách du lịch đang dần quay trở lại với Đà Nẵng sau thời gian dài vắng bóng. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thành phố đã đón gần 36.000 lượt khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng.
Đại điện Sheraton Grand Đà Nẵng Resort cho biết, dịp đầu Xuân vừa qua, Sheraton Grand Đà Nẵng Resort đón hơn 1.600 lượt khách lưu trú. Công suất phòng của khu nghỉ dưỡng đạt khoảng 57%.
Các điểm đến khác trong Thành phố cũng đón nhận kết quả rất khả quan. Trong đó, Công viên nước Mikazuki 365 - khu vui chơi, giải trí được mở cửa trở lại từ trước Tết Nguyên đán - là một trong địa điểm được rất nhiều người dân địa phương và du khách lựa chọn khi đến Đà Nẵng.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch tại Khánh Hòa cũng rất sôi động. Tỉnh này đã đón gần 100.000 lượt khách lưu trú, công suất buồng, phòng đạt hơn 72% trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; tổng doanh thu du lịch khoảng 524,3 tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, dù phải hủy một số sự kiện giải trí, nghệ thuật theo quy định phòng, chống dịch Covid-19, nhưng đô thị cổ Hội An vẫn có những ngày Tết hết sức rộn ràng, trở thành “thỏi nam châm” thu hút du khách tụ hội trong những ngày đầu xuân với hơn 50.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây là tiền đề để Quảng Nam chuẩn bị và tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Chuyển hướng để thích ứng
Để khôi phục và phát triển hoạt động du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp ngành du lịch tại Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An… đang nỗ lực thay đổi hoặc chuyển hướng hoạt động phù hợp với thực tế.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát (Đà Nẵng) chia sẻ, trong giai đoạn này, Công ty chủ yếu hỗ trợ khách hàng đặt vé, thuê xe và đặt dịch vụ ăn uống, hướng du khách đến các sản phẩm mang tính trải nghiệm, dã ngoại ngoài trời tại các địa điểm như Khu du lịch sinh thái Yên Retreat, làng Toom Sara (Đà Nẵng), rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An)… Ngoài ra, Công ty đang xây dựng, khai thác các tour mới như: du lịch golf, nghỉ dưỡng cao cấp; tour du lịch trải nghiệm…
Trước tình hình dịch bệnh, Công ty chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn nhận sinh viên thực tập online. Đặc biệt, Công ty đã chủ động thành lập Học viện Đào tạo IBH nhằm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ làm việc trong ngành khách sạn cũng như cung cấp các chương trình đào tạo được thiết kế chuyên biệt dành cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân…
Đề cập vấn đề đào tạo nhân lực ngành du lịch, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho hay, Hội đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho hội viên với các lớp về quản trị tài chính, lãnh đạo, quản lý dự án, chuyển đổi số…; đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên tiền sảnh, buồng, phòng, phục vụ ẩm thực…, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để sẵn sàng tăng tốc khi du lịch phục hồi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay rất hào hứng với việc đẩy mạnh liên kết phát triển. “Tôi sẵn sàng tài trợ cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận”, ông Chi khẳng định.
Từ góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa sẽ bàn thảo với các đơn vị đồng cấp của 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận để có kế hoạch tổ chức những chương trình lớn hơn, thúc đẩy sự phát triển chung của tam giác du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận.
Thời điểm này, ngành hàng không cũng đã sẵn sàng để khai thác an toàn các đường bay quốc tế. Ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch các tỉnh miền Trung nói riêng đang rất kỳ vọng sẽ sớm phục hồi và lấy lại đà phát triển.