Du lịch
Đồng Tháp hợp lực đưa đàn sếu đầu đỏ trở về làm tổ
Huy Tự - 16/12/2024 15:26
Ngày 12/12/2024, tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp chính thức công bố Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại Lễ công bố Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ Tam Nông - Đồng Tháp

Hiện thực hóa ước mơ

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, trước đây, có những năm, có đến hàng ngàn chim sếu di cư về vùng đất Tràm Chim để sinh sống. Sự hiện diện của loài sếu đầu đỏ quý hiếm trên thế giới chính là biểu tượng cho môi trường sinh thái trong lành, nơi “đất lành chim đậu” của địa phương.

Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn và nhiều nguyên nhân khác đã làm hệ sinh thái Tràm Chim bị thay đổi, nhiều loài động vật, thực vật bị suy thoái, dẫn đến quần thể sếu về Tràm Chim ngày càng ít dần. Trong đó, quần xã năng kim (thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ) bị thu hẹp dần, thành phần loài thủy sản cũng bị suy giảm về số lượng, làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ. Ngoài ra, việc canh tác nông nghiệp quá mức cũng phần nào làm thu hẹp môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, tôi kêu gọi cộng đồng xã hội, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp trong và ngoài nước hãy chung tay, đồng hành cùng địa phương thực hiện thành công mục tiêu phục hồi, bảo tồn đàn sếu đầu đỏ.

- Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp 

Sếu đầu đỏ là loài chim chỉ thị về môi trường trong lành, sự phục hồi các giá trị sinh học tự nhiên; là biểu tượng về văn hóa, tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân từ ngàn xưa; hằng năm, mỗi mùa sếu về là người dân nơi đây như được đón nhận sự may mắn, một chỉ dấu cho sự khôi phục tự nhiên bền vững. Vì vậy, việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn sếu đầu đỏ là yêu cầu cấp bách.

Để hiện thực hóa ước mơ “Đưa đàn sếu trở về”, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Thời gian qua, được sự giúp sức, chung tay của các tổ chức, cá nhân có tâm huyết trong và ngoài nước, tỉnh đã xây dựng Đề án trên cơ sở kinh nghiệm thành công từ chương trình bảo tồn sếu tại Vương quốc Thái Lan.

Đề án đã triển khai một số bước đi cụ thể, gồm: ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên và ký kết Biên bản thỏa thuận các hoạt động với đối tác của Thái Lan; triển khai một số chương trình phục hồi hệ sinh thái trong Vườn quốc gia Tràm Chim; triển khai mô hình canh tác lúa sinh thái hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ xung quanh vùng đệm; xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ nuôi sếu và thực hiện các hoạt động truyền thông; tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ chăm sóc…

Suốt 2 năm qua, bên cạnh Tập đoàn CP, còn có gần 10 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đồng hành và hỗ trợ nhiều hoạt động trong hành trình đưa đàn sếu trở về Đồng Tháp. Đến nay, Đề án đã có những tiến triển rõ rệt, mọi thứ đã sẵn sàng để chuyển giao sếu đầu đỏ theo thỏa thuận hợp tác mà cơ quan nhà nước của hai nước Việt Nam - Thái Lan đã ký kết.

Dự kiến trong 10 năm triển khai Đề án, sẽ có khoảng 100 cá thể sếu được nuôi và thả ra và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên. Đề án sẽ giúp người dân và bạn bè gần xa, khi đến với Đồng Tháp, có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của sếu đầu đỏ.

Kết quả bước đầu được ghi nhận, năm 2024, hệ sinh thái dần phục hồi theo đúng bản chất, đặc trưng của vùng đất ngập nước tự nhiên, nhiều loài chim đến trú ngụ với số lượng lớn, các loài thực vật quan trọng như năng kim và lúa ma bắt đầu hồi phục, tạo môi trường sinh sống và nguồn thức ăn phong phú cho sếu đầu đỏ. Trong chuỗi hoạt động công bố Đề án, đã diễn ra các hoạt động nổi bật như Trekking Kết nối thiên nhiên, trồng cây xanh hưởng ứng Đề án, Cuộc thi vẽ tranh về Sếu đầu đỏ Tam Nông - Đồng Tháp… 

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp phất cờ xuất phát Trekking hưởng ứng Đề án

Sự đồng thuận cao

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng, để đảm bảo Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032 được triển khai hiệu quả, cần ưu tiên quy hoạch chi tiết vùng đất ngập nước và triển khai các dự án phục hồi nguồn nước tự nhiên; trồng các loài cây đảm bảo nguồn thức ăn phong phú cho sếu đầu đỏ.

Bên cạnh đó, công tác giám sát và quản lý chất lượng nước cần được tăng cường, đặc biệt hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp gần các khu vực đất ngập nước... “Nhờ sự hợp tác và hữu nghị chặt chẽ giữa Thái Lan và Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, chúng tôi sẽ đạt được các mục tiêu đã đặt ra và có thể mang lại lợi ích cho cả môi trường, nền kinh tế và hạnh phúc của người dân trong khu vực”, ông Trị nói.

Ông Montri Suwanposri, Phó chủ tịch C.P. Việt Nam bày tỏ sự cảm kích tới các lãnh đạo cơ quan nhà nước của cả hai quốc gia Thái Lan và Việt Nam đã tin tưởng và trao cơ hội để Tập đoàn CP và C.P. Việt Nam được đồng hành trong đề án quan trọng này. Đề án góp phần bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, cải thiện môi trường, giảm khí thải nhà kính, khôi phục nền nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch sinh thái thông qua sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế và khối doanh nghiệp tư nhân, mở ra con đường phát triển bền vững một cách thiết thực.

“Hy vọng rằng, trong tương lai gần, chúng ta sẽ được chào đón những con sếu đầu đỏ đầu tiên được chuyển giao từ Vườn thú Korat của Thái Lan về với Vườn quốc gia Tràm Chim tại Đồng Tháp và cùng nhau hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác để bảo vệ môi trường, văn hóa giữa hai nước một cách bền vững”, ông Montri Suwanposri  nói.

Tham gia giữ rừng đã hơn 30 năm, ông Đỗ Minh Chánh (59 tuổi) tiếp tục tham gia lực lượng phòng cháy, chữa cháy của Vườn quốc gia Tràm Chim. Ông nhớ lại, những năm 1980, số lượng sếu đầu đỏ di cư về Tràm Chim có lúc lên đến hàng ngàn con. Vẻ đẹp của loài sếu quý hiếm bậc nhất thế giới này khiến những người gắn bó với rừng như ông Chánh, cùng những người dân Tam Nông (Đồng Tháp) mê mẩn.

Thế nhưng, từ sau năm 2001, số lượng sếu đầu đỏ về Tam Nông thưa dần. Trong hai năm 2017 - 2018, sếu đầu đỏ chỉ cư ngụ thoáng chốc tại đây rồi đi. Đến năm 2019, những cá thể sếu đầu đỏ lại về, năm 2020 không về nữa. Đến năm 2021, 3 con sếu đầu đỏ di cư trở về, nhưng vắng bóng suốt 2 năm sau đó. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2024, có 4 sếu đầu đỏ di cư trở về.

Theo TS. Trần Triết, Giám đốc Chương trình Bảo tồn sếu Đông Nam Á (Hội Sếu quốc tế), giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, sếu là loài động vật quý hiếm, biểu tượng văn hóa đặc trưng địa phương, nơi nào có sếu định cư, chứng tỏ nơi đó có môi trường sinh thái tự nhiên xanh, trong lành bền vững. “Tôi rất vui mừng trước sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cùng chung tay đưa đàn sếu trở về với Vườn quốc gia Tràm Chim”, TS. Triết bày tỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, để đạt các mục tiêu mà Đề án đặt ra, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trực tiếp, tỉnh Đồng Tháp rất cần sự chung tay góp sức, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học và đơn vị đồng hành trong và ngoài nước, trong đó có các đối tác rất quan trọng từ phía Thái Lan.

Theo ông Nghĩa, thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền rộng rãi cho người dân về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sếu đầu đỏ. Mỗi người dân đều phải có trách nhiệm chung tay thực hiện, hình thành nét văn hóa trân trọng thiên nhiên, yêu quý và xem sếu đấu đỏ như những người bạn, góp phần tạo môi trường sống tốt cho loài chim sếu.

Tin liên quan
Tin khác