Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng |
Từng ngành, lĩnh vực đều khởi sắc
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 6/12 vừa qua, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh năm 2024, ông Phan Văn Thắng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh cùng với sự lãnh đạo chặt chẽ, sâu sát của cấp ủy Đảng; các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát chủ trương, tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, nên tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.
“Dự kiến hết năm 2024, tỉnh thực hiện đạt và vượt 20/22 chỉ tiêu so với kế hoạch năm, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 12 chỉ tiêu đạt. Từng ngành, lĩnh vực đều khởi sắc hơn so với năm 2023…”, ông Thắng khẳng định.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản diễn ra thuận lợi. Giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thuỷ sản năm 2024 ước đạt 21.967 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 3,05% (tương ứng tăng 651 tỷ đồng). Các mùa vụ trong năm 2024 đều hoàn thành theo kế hoạch, năng suất ổn định, hiệu quả sản xuất cao và đang chuyển dịch đúng định hướng tái cơ cấu, đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành, thích ứng với thị trường, phát triển bền vững, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân.
Dự kiến hết năm 2024, toàn tỉnh có 621 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (tăng 168 sản phẩm so với năm 2023), 379 sản phẩm OCOP được kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Tình hình sản xuất công nghiệp đang trong quá trình hồi phục và tăng trưởng ổn định trở lại sau sự suy giảm năm 2021, tạo đà cho sự bứt phá trong năm tiếp theo. Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp ước đạt 12.598 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 8,53%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò then chốt, chiếm 18,28% trong GRDP.
Hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra sôi động thông qua các lễ hội, chương trình kích cầu tiêu dùng, hội chợ công thương, thương mại điện tử. Tình hình thương mại, dịch vụ phục hồi tích vực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 141.500 tỷ đồng, tăng 11,88% so với năm 2023. Giá trị tăng thêm khu vực thương mại và dịch vụ đạt 28.225 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 6,83% (tương ứng tăng 1.806 tỷ đồng) - là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập, tái xuất) năm 2024 ước đạt 1,850 tỷ USD, tăng 42,27% so với năm 2023, đạt 132,14% kế hoạch. Hoạt động xuất nhập khẩu biên mậu khá sôi động, ước tính kim ngạch đạt 740 triệu USD, bằng 137,38% so với năm 2023, đạt gần 235% kế hoạch.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương, liên kết phát triển với địa phương trong vùng. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Hoàn chỉnh một số mô hình, điểm du lịch mới tại các địa phương như: điểm du lịch Tiên Sen (huyện Thanh Bình), điểm du lịch sinh thái Hoàng Sơn (huyện Châu Thành); hỗ trợ hình thành và phát triển các mô hình du lịch mới như: mô hình chợ quê Tràm Chim (huyện Tam Nông), chợ phiên làng nghề dệt choàng (huyện Hồng Ngự); điểm du lịch Như Farmstay (huyện Lấp Vò); tour du lịch tham quan “Vườn quốc gia Tràm Chim - Có một nơi như thế”…
Tỉnh đã tổ chức thành công Festival hoa - kiểng Sa Đéc lần thứ nhất, Lễ tưởng niệm 157 năm ngày mất Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ hai, Diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II, Ngày hội cá tra, đã tạo ra những động lực thúc đẩy lĩnh vực du lịch và các ngành dịch vụ khác.
Ước tính năm 2024, toàn tỉnh thu hút 4,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 4,22% so với năm 2023, đạt 100% kế hoạch năm; trong đó, số lượng khách du lịch quốc tế tăng gấp 5,4 lần so với năm trước; doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 5,26% so với năm trước.
Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.675 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2023, đạt 100% dự toán năm. Kết quả này cho thấy tình hình các nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh cơ bản phục hồi, nhất là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Công tác điều hành triển khai các dự án, công trình đầu tư công được tập trung, ưu tiên hàng đầu, đã phân khai chi tiết 100% kế hoạch năm 2024. Tính đến ngày 25/11/2024, kết quả giải ngân là 4.528,837 tỷ đồng/7.137,083 tỷ đồng, đạt 63,46%. Thời gian còn lại của năm, các chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thành khối lượng thực hiện và thanh toán theo quy định, phấn đấu theo mục tiêu giải ngân 100%.
Về đích nhiều chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025
Báo cáo về kết quả thực hiện mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã duy trì môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao thông qua chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, thu hút được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2020 - 2025 ước đạt 5,44%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 85,14 triệu đồng (tăng 1,6 lần so với năm 2020).
Cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng, mở rộng quy mô. Trong đó, nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ và trung tâm của nền kinh tế, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ phục hồi nhanh và lấy lại đà tăng trưởng khá tốt, thúc đẩy các ngành hàng chủ lực của tỉnh tái cơ cấu đi vào chiều sâu, giá trị ngày càng gia tăng. Tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập, các mặt hàng chủ lực của tỉnh (nông sản tươi và chế biến, thuỷ sản chế biến, thức ăn gia súc gia cầm, sản phẩm may mặc, da giày, sản phẩm từ gạo...) tiếp tục cung ứng rộng rãi trên thị trường, nhất là xuất khẩu.
Du lịch phục hồi tốt sau đại dịch và tiếp tục đóng góp tích cực về kinh tế, quảng bá hình ảnh địa phương. Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều dự án cao tốc kết nối vùng đang được triển khai. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 43.206 tỷ đồng, tăng bình quân 3,7%/năm, tăng 15,6% so với giai đoạn 2016 - 2020.
Chất lượng hoạt động văn hóa ngày càng được nâng lên. Chất lượng giáo dục có chuyển biến so với giai đoạn 2015 - 2020, một số chỉ tiêu đã vượt mặt bằng chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, thu nhập của người lao động ngày càng gia tăng. An sinh xã hội được thực hiện tốt, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
So với các chỉ tiêu 5 năm (2021 - 2025), tới thời điểm hiện tại, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,08% (chỉ tiêu dưới 3%); số hợp tác xã thành lập mới trong giai đoạn đã đạt 37 hợp tác xã (chỉ tiêu 35 hợp tác xã).
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu thành phần thuộc nhóm chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới như số xã đạt nông thôn mới có 115/115 xã, đạt 100% (chỉ tiêu 90%), trong đó, 49/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 42,6% (chỉ tiêu 30%), số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới là 11/12 đơn vị (chỉ tiêu 10 đơn vị).
Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 650 doanh nghiệp thành lập mới (đạt kế hoạch), với tổng vốn đăng ký hơn 5.100 tỷ đồng và 160 doanh nghiệp tái hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động khoảng 5.400 doanh nghiệp (vượt chỉ tiêu 5.300 doanh nghiệp của nhiệm kỳ).