Doanh nghiệp
Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm mở rộng thị trường
Hoài Sương - 09/02/2023 13:19
Chi phí đầu vào tăng, đơn hàng giảm… là những khó khăn đặt ra cho ngành sản xuất lương thực, thực phẩm trong năm 2023. Song nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn mở rộng thị trường.

Năm 2022, ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng 30,52% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng bước sang năm 2023, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức do kinh tế thế giới biến động, ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu, dự báo tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại.

Theo bà Lê Vân Mây, Chủ tịch Lotus Group, lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng, giá cả nguyên vật liệu tiếp tục biến động, các nhà nhập khẩu cũ của doanh nghiệp hiện đang giảm 20-30% đơn hàng… là những thách thức với doanh nghiệp. Đáng nói, đây chỉ mới là tháng đầu năm 2023.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cho biết, ngay từ đầu năm, chi phí vật liệu đầu vào tất cả các sản phẩm đã tăng khá cao. Hiện chi phí đầu vào của mặt hàng gạo tăng 3-5%. Trong khi đó, giá gạo ở nhiều quốc gia trên thế giới có tăng nhưng không tăng nhanh bằng giá gạo trong nước, chính vì vậy, những doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh để xuất khẩu.

“Hiện tại, những đơn hàng gạo cần gấp thì khách hàng mới chấp nhận giá cao để nhận hàng, còn những đơn hàng như gạo thơm bình thường thì chúng tôi chưa có đơn đặt hàng”, ông Có lo lắng.

Được biết, trong năm 2023, ngành công thương TP.HCM phấn đấu phục hồi tăng trưởng các chỉ tiêu như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp qua cửa khẩu TP.HCM (trừ dầu thô) tăng 10%...

Các mục tiêu đặt ra đã cân nhắc đến những khó khăn chung như khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn khó, chi phí nguyên vật liệu tiếp tục tăng. Ngoài ra, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khắc phục, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, đặt ra thách thức cho nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất lương thực, thực phẩm nói riêng.

Theo ông Phan Văn Có, trong thời gian tới, nếu giá gạo tiếp tục biến động thì hoạt động kinh doanh gạo trắng ở Philippines, Indonesia… của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì đây là gạo thông dụng và có mức độ cạnh tranh cao với Ấn Độ và Pakitstan.

“Năm 2022 vừa qua, chúng tôi xuất khẩu rất nhiều đơn hàng gạo sang thị trường Australia, New Zealand, Singapore và Trung Đông. Sang năm 2023, doanh nghiệp tăng cường sản xuất các dòng gạo thơm Jasmine, gạo Nhật… để phát triển thị trường truyền thống này, còn gạo trắng và gạo nếp chúng tôi không trồng thêm”, ông Có cho hay.

Các doanh nghiệp cũng tiết giảm chi phí không cần thiết, đưa sản phẩm ra thị trường với giá thành hợp lý, cố gắng tìm những nguồn nguyên liệu mới và tạo ra chuỗi cung ứng từ nhà máy đến người tiêu dùng nhằm kiểm soát được giá thành sản phẩm.

“Chúng tôi đã có một số kinh nghiệm trong đại dịch Covid-19, ở mọi tình huống doanh nghiệp vẫn khá lạc quan và có kịch bản ứng phó. Doanh nghiệp đã tìm kiếm được những khách hàng mới như Australia, Hàn Quốc... nên hoạt động xuất khẩu vẫn tăng trưởng 20%”, bà Lê Vân Mây nói và khẳng định, mở rộng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Ông Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc công ty cổ phần quốc tế Xlife chia sẻ: “Chúng tôi dự đoán năm 2023 sẽ tăng trưởng chậm, nhưng đây là thời gian để doanh nghiệp rà soát và củng cố lại chất lượng sản phẩm. Trong năm 2021-2022, chúng tôi tập trung vào số lượng, thì hiện tại doanh nghiệp định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân khách hàng”.

Tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn đang chịu tác động tiêu cực của Covid-19, xung đột Nga - Ukraine và sự điều chỉnh chiến lược nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài của các nước lớn đã làm thay đổi các chuỗi cung ứng, gây tác động đến ngành lương thực, thực phẩm nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Trước tình hình này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM đề xuất, TP.HCM cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức nhiều chương trình đưa hàng hóa đến các tỉnh, thành; tổ chức liên kết với các địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất lớn; khởi động và tổ chức lại các chương trình xúc tiến thương mại với các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, EU...

Tin liên quan
Tin khác