Đây là báo cáo của đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo UBND TP.HCM được tổ chức sáng nay.
Cụ thể, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch FFA kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh khiến doanh nghiệp trong ngành đã khó vì Covid 19 nay càng khó hơn.
Trong đó, các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5 - 10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15 đến 70%, bao bì tăng từ 10-15%, găng tay cao-su tăng 300%...
Các nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường… do bị mất mùa và giảm sản lượng cũng tăng từ 5 đến 20%.
Các nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu,… tăng từ 10-15%, thậm chí có thời điểm tăng đến 30%.
Ngoài ra, giá xăng nhập khẩu lại tiếp tục tăng, đang đẩy giá xăng trong nước cũng đi lên và khiến các chi phí đi kèm tiếp tục nhích lên.
Tất cả các yếu tố này đã làm tăng cao chi phí sản xuất các sản phẩm đầu ra chủ lực của ngành chế biến thực phẩm từ trứng, thịt heo, thịt gà, thủy sản…
Trong khi đó, ở thời điểm hiện nay khi sức mua từ thị trường yếu mà giá đầu vào tăng cao. Ngược lại hàng hóa bán ra lại phải kìm giá để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
“Điều này đang khiến các doanh nghiệp trong ngành đang “đứng trên đống lửa” vì lợi nhuận ngày càng sụt giảm nghiêm trọng, chưa kể chi phí cho công tác đảm bảo an toàn phòng dịch”, ông Hiến nói và cho biết, hiện nguồn nguyên liệu dự trữ sắp hết, giá nguyên liệu dự báo chưa có chiều hướng giảm lại thì rất nhiều doanh nghiệp khó thể duy trì kìm giá.
Người dân TP.HCM mua bánh mì tại cửa hàng ABC Bakery (Ảnh minh hoạ: Hồng Phúc). |
Nguy cơ thua lỗ nếu không tăng giá bán có thể xảy ra với doanh nghiệp lương thực, thực phẩm trong khi đây là ngành cung cấp các hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu nên trong mọi hoàn cảnh doanh nghiệp ngành này vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh.
"Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi đang sống tốt, sống khỏe và miễn nhiễm với các tác động chung của nền kinh tế”, Tổng giám đốc Bidrico trăn trở, bởi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường như thời gian qua, doanh nghiệp đã phải cầm cự kinh doanh không có lợi nhuận.
Chưa kể, doanh nghiệp bắt buộc phải thu mua, nhập thêm nguồn nguyên phụ liệu mới dự trữ với chi phí mọi mặt tại thời điểm này đều tăng cao.
Trải qua nhiều đợt dịch kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay nhưng Phó Chủ tịch FFA cho biết, chỉ đếm trên đầu ngón tay các doanh nghiệp trong ngành được thụ hưởng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là gói hỗ trợ miễn, giảm lãi vay, cho vay mới.
Với vai trò một ngành trọng yếu và đặc thù như lương thực, thực phẩm, việc đảm bảo ổn định nguồn hàng sản xuất cũng như dự trữ trong nước là rất cần thiết.
Và quan trọng hơn bao giờ hết, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành này phải tăng nguồn vốn đáp ứng.
Trong khi đó, tiềm lực của doanh nghiệp có giới hạn khi đã tập trung đầu tư vào sản xuất đợt đầu, doanh thu có tăng nhẹ nhưng lợi nhuận không đáng kể, đa phần các doanh nghiệp trong ngành này đều có quy mô vừa và nhỏ.
Vị này cho rằng, lúc này nếu doanh nghiệp có vốn để có thể triển khai nhanh và hiệu quả việc tái cấu trúc, mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ..., để tận dụng, khai thác tốt hơn nữa thị trường trong nước và sẽ là cơ hội rộng lớn để nhanh chóng trở lại xuất khẩu khi các đối thủ khác còn đang phải chống dịch.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!