Tài chính - Chứng khoán
Doanh nghiệp mò mẫm rút niêm yết
Chí Tín - 03/07/2013 13:54
Rút niêm yết đang trở thành một nhu cầu của nhiều doanh nghiệp và động thái này cần một hành lang pháp lý rõ ràng.
TIN LIÊN QUAN

Vấn đề chỉ nằm ở cách xử lý quyền lợi của các chủ thể liên quan khi doanh nghiệp (DN) hủy niêm yết. Theo đó, cần phải có các quy định pháp luật cụ thể và đầy đủ hơn, thay vì để các DN tự “mò mẫm” như hiện nay.

Từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 trường hợp hủy niêm yết

Thông thường, vấn đề nổi cộm nhất khi một DN hủy niêm yết là cách giải quyết quyền lợi của cổ đông thiểu số.

Trước đây, đã có không ít nhà đầu tư tỏ ra hoang mang khi bị đẩy vào thế “bơ vơ”, không biết mua bán cổ phiếu ở đâu khi DN hủy niêm yết.

Trên thực tế, gần đây, khi hủy niêm yết, nhiều DN đã đưa ra các phương án nhằm hài hòa lợi ích cho cổ đông. Tuy nhiên, cách xử lý hiện nay cũng tùy vào “cảm hứng” của từng DN.

Mới đây, Công ty cổ phần Nhà Việt Nam (NVN - HOSE) vừa công bố hủy niêm yết và cam kết đăng ký giao dịch trên UpCOM để tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty.

Lý do NVN hủy niêm yết được Công ty đưa ra là do thanh khoản thấp, giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị Công ty, mục tiêu huy động vốn không thực hiện được...

Cũng với một số lý do tương tự, Công ty cổ phần Thủy sản Gentraco (GFC - HNX) cũng quyết định hủy niêm yết.

Hiện tại, thị giá cổ phiếu GFC chỉ còn hơn 4.000 đồng/cổ phiếu, Công ty không thể huy động vốn qua thị trường chứng khoán, cũng như tăng cường lợi ích của cổ đông và uy tín của Công ty. Ngoài ra, cổ phiếu GFC cũng bị đưa vào diện kiểm soát từ giữa tháng 6/2013, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tại báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất của tổ chức niêm yết là số âm. Điều này đồng nghĩa với việc, Công ty có thể bị hủy niêm yết bắt buộc nếu không thể cải thiện được tình hình kinh doanh.

Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - SaigonTel (SGT - HOSE) cũng đã quyết định hủy niêm yết cổ phiếu.

Ngoài ra, cũng có những công ty hoạt động bình thường, nhưng vẫn có nhu cầu hủy niêm yết, vì tính đặc thù của DN. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (ALP - HOSE) chuyên đầu tư tài chính và tái cơ cấu các DN thua lỗ. Do đó, theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Alphanam, với đặc thù này, số liệu của báo cáo tài chính hợp nhất của Alphanam trong ngắn hạn sẽ luôn nhận lỗ hợp nhất từ các công ty con và các thông tin đó có thể khiến nhà đầu tư hiểu sai về DN.

Ngoài những trường hợp trên, từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 trường hợp hủy niêm yết. Điều này cho thấy, việc rút niêm yết đang trở thành một nhu cầu của nhiều DN và nhu cầu này là hoàn toàn bình thường.

Thực tế, cơ quan quản lý đã từng đưa ra một số giải pháp tháo gỡ cho các trường hợp hủy niêm yết, như cho phép nhà đầu tư có thể đến làm thủ tục chuyển quyền sở hữu thông qua trung tâm lưu ký, khuyến khích chuyển sang sàn UpCOM…

Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chỉ là tình thế và các DN lẫn nhà đầu tư vẫn đang rất cần một hành lang pháp lý riêng cho việc rút niêm yết.

Tin liên quan
Tin khác