Doanh nghiệp rất mong có cơ chế để chu động tìm nguồn cung vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người lao động. Trong ảnh: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động. |
Trong Công văn vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã đề xuất 2 vấn đề.
Thứ nhất, Ban IV đề nghị cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vaccine với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vaccine Bộ Y tế chấp nhận.
Các doanh nghiệp cam kết, mọi vấn đề liên quan tới chuyên môn như thủ tục nhập khẩu, bảo quản vaccine, tiến hành tiêm, đánh giá trước/sau khi tiêm, doanh nghiệp, tổ chức tư nhân sẽ ủy quyền cho các đơn vị hoặc cơ sở y tế được Bộ Y tế công nhận đủ năng lực.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị được tham gia tổ chức tiêm phòng COVID-19 cho nhân viên theo đúng hướng dẫn và các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế.
Thứ hai, Ban IV đề nghị mở rộng lực lượng tiêm phòng vaccine để đáp ứng yêu cầu tiêm hàng loạt, diện rộng. Phương án được đưa ra là huy động không chỉ các cơ sở tiêm chủng mà có thể xét tới các bệnh viện, trung tâm y tế đủ năng lực chuyên môn theo quy định từ Bộ Y tế.
Trước khi đề cập tới 2 đề xuất liên quan đến cơ chế đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp, Ban IV đã gửi tới Thủ tướng lời cám ơn từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam về tinh thần chỉ đạo chống dịch quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những ngày qua, đặc biệt trước quyết định rất nhanh, mạnh mẽ của Thủ tướng khi khẩn trương chỉ đạo tiêm phòng COVID-19 cho 300.000 người lao động tại các khu công nghiệp trọng điểm Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, đợt bùng phát dịch thứ tư này đang gây ảnh hưởng, thiệt hại hết sức nặng nề cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo tính toán nhanh từ các hiệp hội ngành hàng, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh,... kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.
Các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị “đóng băng” gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai nhanh chóng vaccine phòng COVID-19 cho người lao động các khu công nghiệp, người lao động thuộc các doanh nghiệp bên cạnh các đối tượng ưu tiên khác là lựa chọn hàng đầu để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội và tạo dựng cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đứng trước hai vấn đề khó khăn: thứ nhất là lượng vaccine có thể đàm phán mua và nhận trong năm 2021 chưa thể đáp ứng tiêm diện rộng; thứ hai, lực lượng phụ trách việc tiêm vaccine và theo dõi hiệu quả tiêm vaccine còn mỏng, chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu tiêm cùng lúc cho hàng trăm nghìn, hàng triệu người lao động ở các khu công nghiệp/doanh nghiệp
Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, EuroCham cũng đã có đề nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp được mua vaccine để tiêm cho người lao động trong các doanh nghiệp.