|
Các nhãn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới đang đổ xô về Myanmar để khai thác thị trường mới mở cửa với 60 triệu dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng hồ hởi với tin này. Một số công ty lớn tại Myanmar vừa phải vật lộn với tình trạng thiếu tiền mặt hàng thập kỷ, cố gắng kinh doanh dù bị phương Tây cấm vận, lại phải cạnh tranh với các đại gia thế giới như Coca Cola hay Canon.
Sai Sam Htun - Chủ tịch Tập đoàn Loi Hein cho biết: "Chúng tôi đang rất chật vật, vì các tập đoàn đa quốc gia lớn đều đã ở đây. Họ có thể dễ dàng vượt mặt chúng tôi trong thời gian ngắn nhờ tiềm lực lớn hơn hẳn". Star Cola từng là hãng sản xuất các sản phẩm từ cola hàng đầu Myanmar, nhưng giờ lại đang bị Coca Cola và Pepsi lấy mất thị phần. Người dân địa phương hào hứng với đồ uống từ Mỹ sau hàng thập kỷ bị cấm vận.
Các doanh nghiệp Myanmar còn lo ngại những tập đoàn quốc tế sẽ tận dụng lợi thế mạng lưới rộng, tài nguyên sẵn có tại các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt là Thái Lan, để nhấn chìm đối thủ. Zaw Moe Khine - Giám đốc công ty dược phẩm AA Medical cho biết: "Kể cả có mạnh đến đâu, chúng tôi cũng không phải là những tên tuổi lớn trong khu vực. Vì thế, dù rất cố gắng, doanh nghiệp Myanmar cũng khó mà cạnh tranh được".
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng lo ngại bị đá khỏi chính sân nhà, khi giá thuê văn phòng tại Myanmar đang tăng vọt. Theo hãng nghiên cứu bất động sản Scipio, giá văn phòng tại Yangon đã tăng 80% trong hai năm qua, lên 90 USD mỗi m2, do nguồn cung thiếu hụt.
Các công ty nước ngoài cũng có thể dễ dàng đối phó với thị trường tài chính tại Myanmar, vốn đang rất trì trệ sau hàng thập kỷ dưới quyền quản lý của quân đội. Sean Turnell - chuyên gia nghiên cứu kinh tế Myanmar tại Đại học Macquarie (Australia) cho biết: "Các công ty nước ngoài có thể dễ dàng huy động vốn, nhưng doanh nghiệp địa phương thì không". Theo ông, vốn rất cần thiết trong các ngành sản xuất chịu tác động từ cơ sở vật chất nghèo nàn. Loi Hein chỉ được Chính phủ cấp điện 5 tiếng mỗi ngày, còn lại họ phải tự chạy máy phát.
Dù vậy, các công ty trong nước cũng được hưởng lợi phần nào từ các vị khách ngoại quốc. Những doanh nghiệp muốn nhanh chóng nắm bắt thị trường thường sẽ hợp tác với các hãng trong nước, để tránh rủi ro về văn hóa và chính trị. Sai Sam Htun - Chủ tịch Loi Hein cho biết: "Liên doanh sẽ giúp chúng tôi tăng trưởng gấp 5 - 6 lần trong 10 năm, đồng thời tăng chủng loại sản phẩm. Đây là mặt khá tích cực".
Tuy nhiên, không phải ngành nào tại Myanmar cũng có thể liên doanh. Hiện tại, các ngân hàng nước ngoài vẫn chưa được cho phép cấp vốn tại Myanmar, dù việc liên doanh có thể sẽ được thông qua trong vài tháng tới, Thứ trưởng Tài chính Myanmar - Maung Maung Thein cho biết. Một số nhà băng nước ngoài, như Standard Chartered hay ANZ đều đã mở văn phòng đại diện tại đây.
Tuy nhiên, theo ông Takuya Ito - Giám đốc Ngân hàng Mizuho tại châu Á và châu Đại Dương cho biết: "Kể cả được phép liên doanh, chúng tôi cũng rất khó tìm đối tác. Vì số ngân hàng tư nhân ở Myanmar rất ít".
Một số tập đoàn lớn ở Myanmar cũng không tỏ ra hào hứng với mô hình này. Zaw Moe Khine, giám đốc một công ty tại đây cho biết: "Các công ty nước ngoài thừa biết cách tổ chức doanh nghiệp theo hướng có lợi cho họ. Không như các công ty địa phương, ít được tiếp cận với các luật sư hay công ty tư vấn đa quốc gia giàu kinh nghiệm".
"Các công ty địa phương, một là phải lớn, hai là thật chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Dĩ nhiên sẽ có rủi ro, nhưng chúng tôi có lựa chọn nào khác đâu. Phương án cuối cùng có lẽ là bán công ty, nhưng chẳng ai mong điều đó xảy ra cả", Zaw Moe Khine nói.
Thùy Linh - Vnexpress (theo WSJ)