Lỗi do ngân hàng hay doanh nghiệp?
Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy lúc khó khăn, phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp; không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng có linh hoạt được không?
Với doanh nghiệp bất động sản, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Thời gian qua, bất động sản kêu khó tiếp cận vốn, nhưng vẫn muốn giữ giá bán, vẫn đòi hỏi ‘một chiều’, thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?”. Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển.
Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chưa cao, theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Đó là đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn...
Ngoài ra, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm khoảng 21% tổng tín dụng chung. Hơn nữa, khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay; khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế.
Cùng với đó, nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng. Xử lý nợ xấu còn vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của tòa án theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp khó khăn, chưa thực hiện được.
Phải chấp nhận “đánh cược” với nền kinh tế
VPBank là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong11 tháng đầu năm, song ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thừa nhận, tăng trưởng tín dụng cao đồng nghĩa với việc Ngân hàng chấp nhận rủi ro cao trong bối cảnh thị trường “5 ăn, 5 thua” như hiện nay. Đặc biệt, các lĩnh vực tín dụng ưu tiên của Chính phủ đều là các lĩnh vực rủi ro cao. Thực tế, các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nợ xấu tăng rất nhiều so với các năm trước.
“Tại VPBank, mức giảm lãi suất cho vay đã lớn hơn mức giảm chi phí lãi vay. Chúng tôi vay định chế tài chính nước ngoài quy ra VND vẫn là trên dưới 10%/năm, trong khi lãi vay dài hạn cho doanh nghiệp trong nước vay đang là 8-10%/năm”, ông Vinh cho biết.
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, thời gian qua, các ngân hàng đã “mở” hơn về điều kiện vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro lớn hơn, chấp nhận “đánh cược” với nền kinh tế. Nếu nền kinh tế xấu đi, ngân hàng là bên phải gánh hậu quả đầu tiên.
Do đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ về chính sách tiền tệ, các ngân hàng đề nghị Chính phủ có thêm các giải pháp khác hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng, cũng như nền kinh tế, như các giải pháp tháo gỡ pháp lý với doanh nghiệp bất động sản, hỗ trợ ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo, kích thích tổng cầu nền kinh tế, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp…
Với NHNN, các kiến nghị tập trung vào một số giải pháp như gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn hoãn nợ, mở rộng đối tượng hỗ trợ gói lãi suất 2%...