Nhiều doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình các quốc gia cam kết.
Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu xanh hoá các ngành kinh tế. Cùng với đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, lần đầu tiên, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, dịch vụ logistics là một trong 18 chủ đề trọng tâm. Vì vậy, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay, logistics xanh không chỉ là xu hướng, mà trở thành yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí quan trọng để các doanh nghiệp logistics đóng góp vào chiến lược này.
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, Phó giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận vận tải H.A cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu doanh nghiệp không thực hiện tiêu chí về môi trường và logistics xanh trong tương lai thì sẽ dần bị loại khỏi quỹ đạo kinh doanh và thương mại. Đây không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam, mà của cả thế giới với một xu hướng chung.
Đặc biệt, doanh nghiệp của Việt Nam đang đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ một số thị trường mới nổi và cần lưu ý kỹ vấn đề này. Chẳng hạn, khối dệt may, da giày mất nhiều đơn hàng bởi một số nước châu Âu sử dụng công nghệ sản xuất xanh, yêu cầu giảm thải, chất lượng cao về môi trường.
“Thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam, mà là xu hướng chung của toàn thế giới. Do đó, nếu thực sự muốn khai thác được tiềm năng của logistics xanh, doanh nghiệp cần có sự đầu tư chiến lược để vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng được hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn. Đồng thời, tối ưu hóa tuyến đường và quản lý kho hàng bằng việc sử dụng phần mềm quản lý vận tải hay các giải pháp phần mềm để phân tích và tối ưu hóa tuyến đường, giúp giảm quãng đường đi không cần thiết”, lãnh đạo doanh nghiệp trên nhận định.
Ghi nhận thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã tăng cường đầu tư vào logistics để tăng sức cạnh tranh. Chẳng hạn, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã có những chuyển biến mới như đầu tư thay mới đèn LED nhằm giảm hao phí năng lượng cho hệ thống chiếu sáng; hạn chế sử dụng túi nhựa, vật liệu nguy hại tại các khu vực cảng.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng tối ưu hóa chuỗi vận hành thông qua 2 quy trình là giám sát tình trạng kỹ thuật của cẩu khung từ xa và kiểm tra tình trạng giao nhận container thông qua hình ảnh. Ngoài ra, Tân Cảng Sài Gòn còn đang thực hiện các dự án sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như gạch không nung, kính chắn tia UV…
Tương tự, Công ty cổ phần Cảng Long An cũng chọn logistics xanh làm tiêu chí phát triển thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số; chuyển đổi xanh thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên; giảm thiểu rác thải, khí thải bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến nhất.
Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Long An chia sẻ, các công trình trên Cảng được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến (CATOS, MOST); đội xe đầu kéo đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5 về giảm khí thải; thiết bị cẩu sử dụng điện 100%... Công ty cũng đang nghiên cứu đưa vào sử dụng các trang thiết bị khai thác bằng điện hoặc pin tái tạo.
“Việc phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải giúp giảm chi phí logistics, tối ưu nguồn tài nguyên của quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời hướng đến phát triển phương thức vận tải xanh, tiết kiệm và an toàn hơn”, ông Huy chia sẻ.
Thực tế, dù doanh nghiệp đã có những chuyển động nhất định, song việc xanh hóa ngành logistics vẫn chưa thật sự được quan tâm đầu tư đúng mức. Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi xanh đối với ngành logistics vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp, nhất là đối với các phương tiện vận tải hàng hóa, tàu thủy vận tải lớn, do chi phí đầu tư rất lớn.