Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vươn ra “biển lớn”, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Việt Nam, điểm đến lập chuỗi cung ứng
Việt Nam là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 15 FTA đã có hiệu lực, một FTA đã ký kết chờ phê chuẩn, một FTA đang đàm phán, trong khi môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Đó là động lực kéo các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam thiết lập chuỗi cung ứng.
Xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, khi các tập đoàn toàn cầu tăng cường bơm vốn lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, thế giới đang xuất hiện các xu thế lớn, tạo nhiều cơ hội để Việt Nam đưa sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bằng chứng là, thời gian qua, Tập đoàn Apple của Mỹ đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam; Tập đoàn Intel của Mỹ mở rộng giai đoạn II - Nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng trị giá 4 tỷ USD; Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương, tổng vốn 1 tỷ USD; Samsung cũng đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại sang Việt Nam và Ấn Độ… Hiện tại, 60% sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam.
Để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, Bộ Công thương tập trung các hoạt động như xây dựng chính sách, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ có những chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng để phù hợp với tình hình mới, Bộ Công thương trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hưởng được nhiều ưu đãi hơn, nâng cao năng lực, tăng tính cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.
Bộ Công thương
Trong khi đó, nhiều tập đoàn lớn khác như Boeing, Google, Walmart... đang nghiên cứu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam để cụ thể hóa mục tiêu đầu tư của mình.
“Với sự chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng của các nước ra khỏi Trung Quốc, nhất là sau đại dịch Covid-19, các công ty lớn như Apple, Intel… có xu hướng mới đi tìm nguồn cung của họ ngoài Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đón nhận dòng vốn từ các ông lớn này để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Vượng phân tích.
Sức hút của Việt Nam để đón dòng dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ thể hiện ở các yếu tố như nền kinh tế có độ mở lớn, là thành viên của 17 FTA, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, mà còn là thị trường 100 triệu dân với nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh.
Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt 730 tỷ USD trong năm 2022, trong đó, xuất khẩu 371,3 tỷ USD. Đạt được con số này có phần đóng góp của chuỗi cung ứng dịch chuyển vào Việt Nam. Các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất khẩu hơn 275,9 tỷ USD (chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), riêng Samsung đóng góp 65 tỷ USD.
Cơ hội lớn cho nhà cung ứng nội địa
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu vào Việt Nam đang tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp nội địa, song mức độ sẵn sàng để tham gia chuỗi cung ứng này của doanh nghiệp nội vẫn hạn chế.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, hạn chế này thấy rõ ở việc doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, nhưng mới ở khâu trung gian, khâu có giá trị gia tăng thấp, đáy của đường cong trong chuỗi sản xuất. Còn những khâu khác, như khâu thượng nguồn, thiết kế, phân phối thì hầu hết trong tay doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí khâu hạ nguồn, cung cấp nguyên vật liệu chính cho ngành sản xuất chế biến - chế tạo, cho dệt may, da giày cũng chưa tham gia được nhiều.
Dẫu vậy, trong điều kiện năng lực cung ứng của doanh nghiệp nội có hạn, thì sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp FDI đã phần nào tiếp sức để cải thiện trình độ của doanh nghiệp trong nước.
Ông Yang Yoon Ho, Giám đốc Bộ phận Quan hệ khách hàng (Công ty Samsung Electronic Việt Nam) thông tin, đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Samsung đã “bắt tay” để nâng cấp chuỗi cung ứng trong nước bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt.
Số lượng nhà cung ứng cấp 1 và 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014, lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
“Kết quả này là nỗ lực của Samsung cùng Bộ Công thương và doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận công nghệ mới và nâng cao năng lực quản trị tiên tiến”, ông Yang Yoon Ho nhấn mạnh.
Cụ thể, từ năm 2015, các chuyên gia Hàn Quốc đã làm việc với 400 doanh nghiệp Việt Nam để cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hướng tới là nhà cung ứng tiềm năng. Các doanh nghiệp tham gia đã có phản hồi tích cực khi năng suất tăng 40%, lỗi sản phẩm giảm 50% chỉ sau khoảng 3 tháng được tư vấn hỗ trợ. Các doanh nghiệp này cũng được ưu tiên khi tham gia mạng lưới doanh nghiệp cung cấp cho Samsung Việt Nam.
Hiện tại, Samsung Việt Nam tiếp tục mở rộng quy mô khai thác, tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước thông qua nguồn cơ sở dữ liệu do Cục Công nghiệp cung cấp.
Theo ông Hoàn, khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam lập nhà máy sản xuất, điều họ quan tâm là doanh nghiệp nội có đủ năng lực tham gia cung ứng linh kiện sản phẩm cho sản xuất của nhà máy không, có đáp ứng được tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, thời gian giao hàng không.
“Vì lẽ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi đã và đang thực hiện theo hướng hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Samsung, Toyota, với các tập đoàn lớn để nâng đỡ doanh nghiệp nội”, ông Hoàn khẳng định.