Doanh nghiệp
Doanh nghiệp ngoại tăng đầu tư đón cơ hội từ các FTA
Hồng Sơn - Thành Vân - 26/01/2021 19:48
Nhà đầu tư ngoại tiếp tục tăng rót vốn đầu tư và mở rộng hợp tác để đón những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

Tăng đầu tư

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng đầu tư của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) thông tin, trong nửa đầu tháng 1/2021, các nhà đầu nước ngoài đã đẩy mạnh rót vốn vào các dự án sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là một dự án có vốn đầu tư 34 triệu USD, sử dụng diện tích 7 ha tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, logistics.

“Thời gian tới, với việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia an toàn và tiềm năng để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nhà sản xuất quốc tế nhằm đa dạng hóa danh mục sản xuất”, đại diện Hepza dự báo.

Cũng trong những ngày đầu năm 2021, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tất cả đều thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó có 2 dự án của các doanh nghiệp Hàn Quốc là nhà cung cấp từ nhiều năm nay của Samsung.

Ông Masato Kataoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp này vừa được cấp phép dự án tại Đồng Nai, vốn đầu tư 60 triệu USD, diện tích đất sử dụng 8 ha. Dự án có mục tiêu hoạt động là sản xuất các loại bao bì chất lượng cao, bao gồm công đoạn in ấn trên sản phẩm của doanh nghiệp với quy mô 78.000 tấn/năm…

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các chủ đầu tư của 3 dự án FDI mới cấp phép đều đã hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Quyết định mở rộng sản xuất - kinh doanh của họ khẳng định rằng, trong tương lai, Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng luôn là đối tác chiến lược trong thương mại và đầu tư của doanh nghiệp FDI.

Mở rộng hợp tác

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Behzad Babakhani, Tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM cho biết, kể từ khi thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2019, thương mại hàng hóa song phương giữa Canada và Việt Nam đã đạt mức kỷ lục mới là 7,9 tỷ đô la Canada (6,15 tỷ USD) trong cùng năm. Theo ông, đang là thời điểm thuận lợi để hai nước mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế.

Chia sẻ cụ thể hơn về các cơ hội từ CPTPP, ông Behzad Babakhani cho rằng, các nhà xuất khẩu Canada được hưởng lợi từ các mặt hàng nnông sản, cá, hải sản và lâm sản. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, cơ hội nằm trong các ngành sản xuất và chế biến như máy móc điện tử, da giày, may mặc, đồ gỗ, nông sản, thủy sản.

Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn chuyên môn của doanh nghiệp Canada trong các lĩnh vực như gen, công nghệ sinh học, dịch vụ môi trường và công nghệ xanh và bền vững. Điều này có thể hỗ trợ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Nhiều công ty Canada đang theo đuổi các cơ hội thương mại tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, ICT, hàng không vũ trụ, cơ sở hạ tầng, dược phẩm và sản phẩm sức khỏe, gỗ, dịch vụ tài chính… “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Canada khi chúng tôi theo đuổi thương mại đa dạng sang châu Á - Thái Bình Dương”, ông Behzad Babakhani cho biết.

Bà Châu Tạ, Phó chủ tịch AusCham tại Việt Nam nhìn nhận, dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Australia vào Việt Nam sẽ tăng mạnh sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết. Cụ thể, RCEP sẽ góp phần phát triển một môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn tại Việt Nam, tập trung vào tạo việc làm, đổi mới địa phương và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Australia có khả năng sẽ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế so sánh và tận dụng hệ sinh thái thương mại mạnh mẽ với Việt Nam, như xuất khẩu nguyên liệu thô, sản xuất và dịch vụ. Các doanh nghiệp cũng có thể tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực đã phát triển sau đại dịch, bao gồm công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử.

Tin liên quan
Tin khác