Doanh nghiệp
Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp gì?
Khánh An - 10/08/2016 13:13
Không có doanh nghiệp nào trong toàn bộ 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Một vài tên tuổi lớn thậm chí không công khai bất cứ một nội dung gì sau 8 tháng nghị định trên có hiệu lực.

Số doanh nghiệp nhà nước khác cũng không khá hơn, chưa đầy một nửa trong số 350 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có công bố thông tin, nhưng vẫn không đáp ứng đủ theo quy định.

Phải chăng, khu vực doanh nghiệp đang nắm trong tay khối tài sản vô cùng lớn của đất nước quá quan trọng, quá lớn để tự cho mình vị thế đứng trên pháp luật, đứng ngoài các quy định của pháp luật?

Nghị định 81/2015/NĐ-CP quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước

Câu trả lời chắn chắn là không. Theo giá trị sổ sách, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước là 3.105 ngàn tỷ đồng (vốn chủ sở hữu nhà nước là 1.233 ngàn tỷ đồng), của toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 5.408,4 ngàn tỷ đồng. Chưa kể, các doanh nghiệp này không chỉ đang hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng nhất, mang tính dẫn dắt của nền kinh tế, mà còn trong các lĩnh vực hạn chế kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng dường như chỉ phù hợp với doanh nghiệp nhà nước... Đặc biệt, cho dù các quy định pháp luật gần như không có sự phân biệt sở hữu trong đối tượng điều chỉnh, nhưng trên thực tế, các chủ nợ vẫn có tâm lý tạo cho doanh nghiệp nhà nước thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác, từ các chủ nợ trong nước đến nước ngoài… Nguy cơ gây méo mó thị trường từ khu vực này là rất lớn. Thậm chí, nếu không cẩn trọng, việc dồn quá nhiều nguồn lực vào một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn sẽ có thể gây nên nguy cơ xuất hiện hiệu ứng “too big to fail” (quá lớn để đổ vỡ).

Cũng phải nói rõ, hệ thống giám sát doanh nghiệp nhà nước lâu nay vẫn xác định thiếu thông tin là lỗ hổng quan trọng trong khung quản trị. Hệ quả là thông tin không là công cụ để chủ sở hữu, cũng như người dân và toàn xã hội kịp thời nắm bắt được thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, từ đó có những quyết định kịp thời, hợp lý và đúng đắn, giúp doanh nghiệp khắc phục tồn tại, cải thiện hiệu quả hoạt động. Đây cũng là một phần lý do hệ thống cảnh báo và ngăn ngừa những yếu kém doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất, kinh doanh cũng như những rủi ro khó kích hoạt.

Không có lý do gì khu vực này trở thành vùng cấm về thông tin với người dân, với thị trường. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 81/2015/NĐ-CP cũng với mục tiêu chấm dứt tình trạng mù mờ thông tin về doanh nghiệp nhà nước đã kéo dài nhiều năm trước.

Điều này cũng có nghĩa không thể bỏ qua các chế tài nghiêm khắc với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định này. Có thể áp dụng ngay chế tài đã được quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP, đó là công khai danh sách các doanh nghiệp không tuân thủ và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu biết để đôn đốc, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, vẫn cần phải có chế tài cụ thể với những cá nhân cụ thể, trước hết, đó là những người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chỉ có nêu đích danh các con người cụ thể mới có thể thúc đẩy được công việc cụ thể.

Tin liên quan
Tin khác