Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Nhật ngày càng thích Hà Nội hơn
Ngọc Linh - 13/05/2013 16:11
Ông Chainarong Limpkittsin, Giám đốc điều hành Công ty tổ chức triển lãm Reed Tradex, trao đổi với Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn rằng, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tham gia vào các cuộc triển lãm ở Việt Nam là một dấu hiệu tốt.  
TIN LIÊN QUAN
Ông Chainarong Limpkittsin, Giám đốc điều hành Công ty tổ chức triển lãm Reed Tradex

Vào tháng 9/2013, Reed Tradex cùng với các đối tác Việt Nam và Nhật Bản sẽ tổ chức 3 cuộc triển lãm về công nghệ và công nghiêp phụ trợ, ông có thể cho biết một số thông tin về các cuộc triển lãm này?

Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã nhìn thấy sự tăng trưởng về số lượng khách hàng tham gia triển lãm.

So với năm 2011, diện tích khu vực dành cho triển lãm của chúng tôi đã tăng 25%. Mặc dù vậy, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc làm thế nào để có đủ diện tích cho khách hàng. Hiện tại, chúng tôi không còn một khoảng trống nào, ngay cả sân khấu để cho hai rô-bốt trình diễn tại triễn lãm cũng rất nhỏ.

Thành công này cũng một phần nhờ vào các đối tác của chúng tôi là Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hà Nội và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO). Năm nay là một năm rất đặc biệt với JETRO để tổ chức một sự kiện đặc biệt như thế này tại Hà Nội, bởi vì năm nay sẽ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm như thế nào, thưa ông?

Trong triển lãm công nghiệp phụ trợ sắp tới, sẽ có 50 doanh nghiệp từ Nhật Bản đến và 50 doanh nghiệp của Việt Nam.

Họ là những công ty sản xuất phụ tùng và những công ty có liên quan đến công nghiệp phụ trợ. Họ đến đây để tìm kiếm thêm đối tác kinh doanh.

Triển lãm thứ hai là triễn lãm về công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản có tên là Monozukuri, trong đó 45 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ trưng bày công nghệ mới nhất của họ.

Triển lãm thứ 3 sẽ là triển lãm về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hà Nội sẽ giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam tại 30 gian hàng.

Tất cả 3 triển lãm sẽ được tổ chức cùng thời gian và cùng một địa điểm, điều đó sẽ giúp thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Vào thời điểm hiện tại nền công nghiệp sản xuất của Việt Nam đang gặp khó khăn, tuy nhiên số lượng công ty nước ngoài tham gia vào triển lãm vẫn tăng, ông có cho rằng đó là dấu hiệu tốt cho sự phục hồi kinh tế?

Tôi đã nhìn thấy một vài sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam.

Thời gian qua, tôi đã nói chuyện nhiều với các công ty Nhật Bản. Rất nhiều trong số họ đã mở văn phòng hoặc chi nhánh ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, để bán máy móc, phụ tùng. Hiện tại, ngày càng có nhiều công ty Nhật thích hiện diện ở Hà Nội hơn TP.HCM, bởi vì ở đây đã có nhà máy của các hãng lớn như Honda, Toyota hay Yamaha. Các công ty vừa và nhỏ sẽ theo các công ty đa quốc gia để đầu tư vào đây. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam ngày nay đã đủ lớn để cho họ đầu tư vào.

Về phía chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc triển lãm lớn ở Việt Nam. Chúng tôi tin vào tiềm năng trong tương lai của thị trường này và thực tế chúng tôi đang phát triển dần công việc kinh doanh tại đây.

Reed Tradex đã hiện diện tại Việt Nam trong vòng 7 năm qua, tại sao các ông lại chỉ tập trung vào tổ chức triễn lãm trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ?

Thời điểm này chúng tôi chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế tạo bởi vì chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất. Chúng tôi cho rằng, con đường phát triển công nghiệp của Việt Nam cũng giống Thái Lan. Cho đến hiện tại, tôi vẫn hoàn toàn tin rằng chúng tôi đã quyết định đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi không tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực khác. Tại Thái Lan, trong năm tới chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm về công nghiệp mỹ phẩm, và tôi tin rằng công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam cũng đang phát triển khá mạnh.

Sau 7 năm tổ chức triển lãm ở Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của Việt Nam?

Thực tế rất khó để đánh giá. Tổ chức triển lãm ở mỗi quốc gia giống như xây dựng hình ảnh thương hiệu cho quốc gia đó.

Tại Việt Nam, các bạn có một thị trường lớn với gần 90 triệu dân, dân số trẻ, làm việc chăm chỉ và sẵn sàng học tập những cái mới. Điều đó là rất ấn tượng. Mặt khác, lạm phát ở đây lại đang ở mức cao và một vài hệ thống đang hoạt động không tốt. Nhiều người cho rằng, Việt Nam nên phát triển nhanh hơn nữa.

Nhưng Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố sẽ cải thiện một vài lĩnh vực kinh tế do một số chính sách đã hoạt động không tốt. Đó là một dấu hiệu tốt. Tuy vậy, để thay đổi một hệ thống lớn, cần phải có thời gian, để thay đổi nhiều người cũng cần phải có thời gian.

Tôi đã nói chuyện với JETRO và nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác, họ đều sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trong tương lai, bởi vì họ tin rằng, Việt Nam sẽ tốt hơn trong tương lai, trong 3 hoặc 5 năm tới. Ngay cả với chúng tôi, chúng tôi đã không thu được lợi nhuận tốt ở Việt Nam, nhưng chúng tôi sẽ thu được tốt hơn trong tương lai. Đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây.

Tin liên quan
Tin khác