Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất quá trình đàm phán. Thách thức từ việc áp dụng những quy định của luật chơi này đã được nhìn nhận, song điều đáng lo ngại hiện nay đối với ngành chăn nuôi trong nước chính là thiếu năng lực tham gia sân chơi.
Việt Nam hiện có 239 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó 59 doanh nghiệp FDI, nhưng chiếm đến 70% thị phần thức ăn chăn nuôi cả nước. Đa số cơ sở tư nhân, nhất là ở phân khúc quy mô vừa và nhỏ - đối tượng vốn yếu thế, thì chưa có kiến thức và vốn liếng để chuẩn bị bước vào sân chơi lớn này.
Ông Đinh Xuân Hồng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng (ngồi giữa) và 2 chuyên gia mổ xẻ vấn đề này |
Nhiều doanh nghiệp loay hoay trong việc lựa chọn chiến lược, thậm chí giữa các cổ đông còn bất đồng ý kiến. Điều này cho thấy, ngay nội tại ngành chăn nuôi trong nước đã thể hiện rõ sức cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Tại một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ, từ trước đến nay chỉ sản xuất phục vụ cho các hộ gia đình chăn nuôi tại các tỉnh. Nhưng khi Việt Nam tham gia TPP, CEO công ty này có ý chuyển sang cung ứng thức ăn gia súc cho các nhà sản xuất thịt chăn nuôi xuất khẩu. Muốn vậy, cần phải tìm kiếm và đầu tư để thay đổi nguồn nguyên liệu. Vì hiện nay, nguồn nguyên liệu của công ty chủ yếu nhập từ các thị trường không thuộc khối TPP (chủ yếu là Trung Quốc). Điều này sẽ khiến doanh nghiệp không thể hợp tác với các nhà sản xuất thịt chăn nuôi xuất khẩu được.
Nhưng các cổ đông không đồng tình, sợ bị rủi ro vì công ty chưa nắm rõ những lợi thế và thách thức của TPP là gì. Trong khi nguồn lực của doanh nghiệp còn yếu, thay đổi theo chiến lược của CEO sẽ đòi hỏi nhiều công sức và vốn.
Theo dõi động thái của công ty này, giới tư vấn chiến lược cho rằng, thay đổi chiến lược cạnh tranh thì lúc nào cũng phải làm, nhưng trong trường hợp trên, CEO đã nói quá nhiều về mong muốn được thử thách, mà quên đi lợi ích của công ty, chính là lợi ích của các cổ đông. Nên khi chưa nhìn thấy lợi ích trước mắt và tiềm năng lâu dài thì các cổ đông không đồng ý là hiển nhiên. Do vậy, trước khi đề xuất cạnh tranh TPP thì CEO cần định hướng rõ mục tiêu như thế nào, mất thời gian bao lâu, sản phẩm đạt chất lượng ra sao và ai hay tổ chức nào chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng đó.
Việc cuối cùng là thị trường xuất khẩu ở đâu, giá thành như thế nào và cho ai. Những đất nước phát triển về chăn nuôi, liệu sản phẩm của mình đã đủ sức để thâm nhập thị trường. Còn những đất nước đã có nền chăn nuôi tương đương Việt Nam thì sự cạnh tranh là gì?
Để tìm câu trả lời những câu hỏi này, CEO đã tìm đến 2 chuyên gia là TS. Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, kiêm Giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc và ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny, khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.