Đến thời điểm 31/8/2014, số tiền mà 54.000 tổ chức, doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã lên đến gần 11.652 tỷ đồng. Trước mắt, nếu không có giải pháp xử lý triệt để số tiền nợ này, thì quyền lợi của 714.000 lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bảo hiểm xã hội được coi là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho người lao động |
BHXH được coi là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia Vì vậy, trong tương lai, nếu tình trạng nợ BHXH vẫn tiếp diễn tràn lan như những năm gần đây, thì Quỹ BHXH đứng trước nguy cơ mất an toàn, kéo theo hàng triệu người có nguy cơ trắng tay khi hết tuổi lao động hoặc không may bị ốm đau, bị tai nạn lao động…
Vì sao doanh nghiệp lại nợ BHXH cũng như cố tình trốn tránh các nghĩa vụ tài chính bắt buộc khác phải thực hiện với người lao động? Theo quy định hiện hành, chủ sử dụng lao động phải đóng 18% quỹ lương vào Quỹ BHXH. Đây là khoản tiền đáng kể, đặc biệt với những doanh nghiệp khó khăn về tài chính, vì vậy, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận phạt chậm nộp BHXH, bởi lẽ, với mức phạt chỉ là 10,45%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay vốn ngân hàng.
Có một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nợ bảo hiểm gia tăng.
Thứ nhất, các ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp mở tài khoản, vì quyền lợi của mình nên không thực hiện trích tài khoản ngân hàng để đóng bảo hiểm cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan BHXH.
Thứ hai, vì mục tiêu thu hút đầu tư, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức tới việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thậm chí, có không ít địa phương cũng đang nợ BHXH hơn 2.000 tỷ đồng - số tiền mà địa phương có nghĩa vụ hỗ trợ đóng bảo hiểm cho một số đối tượng. Vì vậy, những địa phương này cũng không dám “mạnh tay” với các đơn vị nợ BHXH.
Nguyên nhân thứ ba và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, đó là tình trạng doanh nghiệp ngày càng “xem thường” cơ quan BHXH do chưa có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp nợ BHXH.
Minh chứng là, theo quy định, hàng tháng, cơ quan BHXH đều gửi thông báo về việc đóng bảo hiểm cho người lao động đến từng doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Sau 3 tháng, nếu doanh nghiệp không thực hiện, BHXH sẽ xuống kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu thực hiện. Sau 6 tháng, nếu doanh nghiệp vẫn chây ỳ, các cơ quan chức năng trên địa bàn (gồm BHXH, đại diện công đoàn, thanh tra và nhiều cơ quan liên quan khác) tiến hành thanh tra và nếu không đạt được kết quả, BHXH sẽ phải áp dụng giải pháp cuối cùng là khởi kiện doanh nghiệp vi phạm ra tòa.
Tuy nhiên, ngay cả giải pháp cuối cùng được coi là mạnh tay nhất, cũng không tạo nên sức ép cần thiết đối với doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp coi thường biện pháp đó tới mức, mặc dù là bị đơn, nhưng họ còn không cử đại diện có thẩm quyền tham gia phiên xét xử. Chính vì lẽ đó, hàng năm, sau khi có phán quyết của toà án, cũng chỉ may ra đòi được 20-30% số tiền BHXH mà doanh nghiệp nợ.
Trước thực trạng này, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới đây sẽ trao cho cơ quan BHXH quyền được thanh tra. Tuy nhiên, nếu như trao quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ mà không có chế tài xử lý thì chẳng khác gì vẫn “bình mới, rượu cũ”, tình trạng nợ bảo hiểm vẫn khó có khả năng thuyên giảm.
Theo Luật Quản lý thuế, nếu doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế có thể sử dụng các biện pháp mạnh tay, như dừng làm thủ tục hải quan; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên, bán đấu giá tài sản; thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Để giảm dần và đi đến chấm dứt tình trạng nợ bảo hiểm, đã đến lúc, Quốc hội cần cho phép cơ quan BHXH thực hiện các chế tài mạnh tay hơn, tương tự như chế tài của cơ quan thuế xử lý đối với doanh nghiệp nợ thuế.
Mạnh Bôn