Lá cờ đầu trong “làn sóng start-up thứ 2”
Trong 20 năm Internet vào Việt Nam, đã xuất hiện 3 làn sóng start-up công nghệ. Định danh ở làn sóng start-up thứ nhất, khi Internet chính thức vào Việt Nam, nổi lên những cái tên như FPT, CMC, Bkav, Sao Bắc Đẩu, HiPT… với lượng người dùng ít, chủ yếu dùng mail, đọc báo, nên các sản phẩm gắn với sự phát triển phần mềm cho PC. Ở làn sóng start-up thứ 2, những năm 2000, đã “gọi tên”: VNG, VCCorp, Peacesoft, Vật giá… gắn với nội dung số trên nền tảng Internet.
VNG là doanh nghiệp công nghệ đi đầu trong làn sóng start-up thứ 2. Ảnh: Đức Thanh |
Trong làn sóng thứ 2, các mô hình start-up không đơn thuần là các sản phẩm kinh doanh offline như phần lớn start-up thời kỳ trước, mà chuyển sang cung cấp các dịch vụ, nội dung số như phần mềm từ điển trực tuyến, trò chơi điện tử, website nghe nhạc trực tuyến, công cụ tìm kiếm… VNG là một ngọn cờ đầu trong làn sóng này, theo một cách rất đặc biệt và phát triển mạnh mẽ đến tận bây giờ.
Năm 2004, ông Lê Hồng Minh, chuyên gia tài chính, đang là Giám đốc điều hành Vina Capital Group. Tuy nhiên, ông cùng với 5 người bạn đã quyết định khởi nghiệp mới bằng việc lập ra VinaGame (tiền thân của VNG).
“Năm 1997, khi Internet chính thức có mặt tại Việt Nam, chúng tôi thấy Internet là một miền đất lạ, vô cùng hấp dẫn. Sau vài năm, Internet có tốc độ phát triển rất mạnh, chúng tôi nhận thấy cơ hội lớn trong đó, nên đã quyết định dấn thân”, ông Minh nhớ lại.
Thời kỳ đầu, từ khi thành lập đến năm 2006, VinaGame trở thành nhà phát hành trò chơi điện tử dẫn đầu thị trường Việt Nam với hàng triệu game thủ. Nhưng với ông Minh và cộng sự, mảng game chỉ là “bàn đạp”, là “bước đà” để VNG thực hiện một khát vọng lớn là chọn cho mình sứ mệnh “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam". VNG xác định sẽ tiên phong xây dựng một ngành công nghiệp mới - công nghiệp nội dung số có khả năng cạnh tranh quốc tế.
“Sứ mệnh của VNG là dùng Internet để thay đổi cuộc sống của người Việt Nam. Cho đến bây giờ, tôi rất tự hào là đã làm được nhiều điều”, ông Minh nói.
Luôn đón nhận thách thức…
Sau 13 năm, VNG đã thu hút rất nhiều thế hệ người trẻ Việt Nam đến với Internet, biến nhiều thế hệ người Việt Nam lần đầu tiếp xúc với Internet trở thành người dùng Internet mỗi ngày, dùng Internet như một công cụ để thay đổi cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
VNG đã xây dựng nên một hệ sinh thái: nghe nhạc ZingMP3, xem các chương trình ZingTV, đọc tin tức Báo mới, chat Zalo, mua bán qua Zaloshop, thanh toán Zalopay, đặt vé xem phim, dự sự kiện qua 123Phim - 123Go,… phủ sóng cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong cộng đồng hơn 93 triệu dân.
“Slogan của VNG là “Đón nhận thách thức”, bởi vì không chỉ ở giai đoạn khởi nghiệp đầu tiên, mà bất kỳ giai đoạn nào của VNG cũng có những thách thức. Bản chất của công nghệ là luôn sáng tạo cái mới, thay đổi cái cũ. Ngay cả bản thân tôi sau vài năm nghĩ là mình có kiến thức, có được nguồn lực, nhưng sau đó thị trường thay đổi thì lại phải làm những điều mới, phải học lại từ đầu. Nhiều khi học lại trong môi trường mà mình đã có kinh nghiệm lại khó hơn là trong môi trường mới mình chưa biết gì. Đó cũng chính là lý do vì sao mà trong ngành công nghệ, các start-up lại có cơ hội tốt hơn các công ty lớn, là vì họ được học mà không có bất kỳ gánh nặng quá khứ nào”, ông Minh tâm sự.
Và bước ra sân chơi toàn cầu
Trong kỷ nguyên Internet mới, mục tiêu trở thành công ty Internet top đầu thị trường nội địa của VNG đã được nâng lên thành một doanh nghiệp toàn cầu, tạo ra một “lối đi mới” cho start-up Việt nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp Việt tiến ra thế giới.
“Điều tất yếu để có thể thành công, chúng ta phải phát triển những sản phẩm “world class”. Chúng tôi phải tự mày mò, học tập, phải đón nhận những thách thức để tiến ra toàn cầu”, ông Minh chia sẻ.
Với nền tảng “Internet là không biên giới”, đội ngũ VNG ở Việt Nam đang không ngừng nghiên cứu, phát triển và cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến hơn 233 quốc gia bằng 15 ngôn ngữ khác nhau. VNG đã đi ra thị trường thế giới với các tựa trò chơi điện tử nổi bật như Sky Garden, Dead Target VR, Cube Farm 3D... Kết thúc năm 2016, các sản phẩm của mảng trò chơi điện tử VNG đã có hơn 70 triệu người dùng mobile, giành được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín... Hay như Zalo của VNG đã “xuất khẩu” thành công sang Myanmar và đang tiến vào các nước ASEAN.
Nhưng, bước ngoặt ấn tượng nhất của VNG là cuối tháng 5/2017, VNG ký Bản ghi nhớ về việc dự kiến niêm yết trên Sàn chứng khoán NASDAQ tại New York (Mỹ) trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
“Sắp tới, VNG có rất nhiều kế hoạch để đầu tư rộng ra các ngành khác, cũng như đầu tư rộng ra các thị trường khác. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ, giá trị cốt lõi và bản sắc của VNG sẽ luôn giữ đó là “Người Việt Nam làm về công nghệ, làm về Internet”. Chúng tôi vẫn giữ ngọn lửa tâm huyết và sẽ vẫn sẵn sàng đi tiếp chặng đường này nhiều năm nữa”, ông Lê Hồng Minh cho biết.
Năm 2016 và 2017, VNG được Forbes Vietnam bình chọn là một trong 4 thương hiệu tốt nhất Việt Nam.
Hiện VNG có 13 công ty, ngoài việc đầu tư trong các công ty công nghệ khác, VNG hiện đang phát triển trong 4 lĩnh vực: phát triển game, công nghệ số, ứng dụng OTT và dịch vụ thanh toán điện tử.
Vốn điều lệ của VNG tăng lên 22 lần trong 13 năm, từ 15 tỷ đồng năm 2004 lên 330 tỷ đồng năm 2016.