| ||
Luật Quản lý thuế mới này sẽ khiến phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô |
Theo Điều 42, Luật số 21/2012/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, hàng hóa không phải là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu hay theo hình thức tạm nhập, tái xuất phải phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp, thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hoá, nhưng phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế.
Điều 106, Luật số 21/2012/QH13 nêu trên cũng quy định, mức tiền chậm nộp sẽ tính lũy tiến 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày; 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày, kể từ khi thông quan.
Nói về khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện quy định về nộp thuế này, ông Laurent Charpentier, Chủ tịch VAMA cho hay, quy định mới khiến các thành viên của VAMA gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Do việc nhập khẩu các linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, hàng tuần, thậm chí hàng ngày, với số lượng lớn, nên để đảm bảo tuân thủ đúng quy định mới, doanh nghiệp sẽ có phát sinh thêm nhiều công việc và thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký tờ khai, kê khai thuế theo từng lô hàng. Hơn nữa, nếu lựa chọn phương án bảo lãnh ngân hàng và nộp tiền chậm nộp thuế, doanh nghiệp sẽ chịu phát sinh thêm nhiều chi phí.
“Đó không chỉ chi phí cho lãi chậm trả, mà còn là phí bảo lãnh ngân hàng, với mức bình quân 2 - 3%/năm. Ngoài ra, mức tiền phạt chậm nộp là 0,05%/ngày, tương đương với 18%/năm - một con số quá cao so với lãi suất ngân hàng hiện nay”, ông Laurent Charpentier nhận xét.
Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, Chính phủ đang có những nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, thì việc áp dụng các quy định của Luật Quản lý thuế mới này sẽ khiến phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm một cách không cần thiết.
“Luật Quản lý thuế sửa đổi nhằm thắt chặt quản lý với những doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về nộp thuế. Tuy nhiên, với các thành viên VAMA luôn tuân thủ pháp luật, luôn nộp thuế đầy đủ, đúng hạn, thì biện pháp thắt chặt quản lý này không mang lại hiệu quả”, một đại diện của VAMA nhận xét.
Trên thực tế, ngành công nghiệp ô tô đang đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách. So với các tên tuổi lớn trong các lĩnh vực khác trên thị trường, như Samsung, Canon, Intel… với số lượng lao động lớn, nhưng đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua nộp thuế còn khá khiêm tốn, thì ô tô là mặt hàng được cơ quan thuế rất trông chờ.
Bởi vậy, VAMA đề nghị cho phép các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt được ưu tiên không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông quan trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng để thông quan, giải phóng hàng.
Thanh Hương