Ô tô - xe máy
Doanh nghiệp ô tô tăng sản xuất tại Việt Nam
Thanh Hương - 01/01/2023 08:10
Việc các doanh nghiệp ô tô khánh thành nhà máy sản xuất, lắp ráp, hay tăng thêm sản phẩm được lắp ráp tại Việt Nam cho thấy cơ hội đang mở ra cho ngành này.
Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu.

Tăng sản xuất tại Việt Nam

Ngày 28/12, Toyota Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất 2 dòng xe mới là Avanza và Veloz, thay cho việc nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia về như thời gian qua. Cuối tháng 3/2022, hai mẫu xe này đã được ra mắt thị trường Việt Nam dưới diện xe nhập khẩu nguyên chiếc và tới hết tháng 11/2022 đã bán được 3.248 xe Avanza cùng 12.876 xe Veloz.

Với việc có thêm 2 mẫu xe đa dụng MPV được lắp ráp trong nước, Toyota Việt Nam đã có tổng cộng 5 mẫu xe lắp ráp tại nhà máy Vĩnh Phúc, gồm Vios, Innova, Fortuner (máy dầu), Veloz Cross và Avanza Premio. Được biết, Toyota Việt Nam đã tốn nhiều thời gian và công sức để được phép lắp ráp 2 mẫu xe này tại Việt Nam, bởi Indonesia cũng muốn gia tăng sản lượng của mình.

Trước đó, giữa tháng 11/2022, tại Ninh Bình, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Tập đoàn Ô tô Hyundai khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Nhà máy có tổng công suất thiết kế đạt 100.000 xe/năm, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020, trên tổng diện tích hơn 50 ha.

Theo đánh giá của Toyota Việt Nam, có nhiều tín hiệu tích cực để hỗ trợ ngành sản xuất linh kiện với các ưu điểm là chất lượng cao, chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, nhược điểm là quy mô sản xuất nhỏ, chưa có công nghiệp nguyên vật liệu, trình độ sản xuất thấp và thiếu kinh nghiệm quản trị.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch TC Group, đây là nhà máy hiện đại, được chuyển giao những công nghệ mới nhất từ Hàn Quốc, sản xuất, lắp ráp trên dây chuyền thiết bị tự động hóa chính xác cao, nền tảng số hóa, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất thông minh, nhà máy thông minh. Nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường các dòng xe chất lượng cao, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường.

Kết hợp với nhà máy số 1, tổng công suất xe Hyundai có thể xuất xưởng tại Ninh Bình được thiết kế là 180.000 xe/năm, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như hướng đến thị trường khác trong khu vực.

Tập đoàn BMW cũng chính thức tuyên bố hợp tác với THACO AUTO để lắp ráp các mẫu xe BMW 3 Series, BMW 5 Series, BMW X3 và BMW X5 tại nhà máy ở Chu Lai (Quảng Nam). Hãng xe Đức cho biết, sự hợp tác này sẽ giúp mở rộng mạng lưới sản xuất xe của BMW ở châu Á, hiện bao gồm các nhà máy của Tập đoàn BMW ở Ấn Độ và Thái Lan, nhà máy liên doanh ở Trung Quốc và nhà máy đối tác ở Malaysia, Indonesia và giờ là Việt Nam.

“Thị trường Việt sở hữu tiềm năng tăng trưởng dài hạn và chúng tôi rất vui với quyết định cùng THACO lắp ráp các dòng series 3, series 5, X3, X5. BMW cũng mong muốn đem đến cho khách hàng Việt những chiếc BMW tốt nhất, tự hào được sản xuất ngay tại Việt Nam”, thông cáo của BMW nhấn mạnh.

Trong thông cáo, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO GROUP cho biết, THACO vinh dự khi BMW là thương hiệu tiếp theo được lắp ráp tại nhà máy của Công ty ở Khu công nghiệp Chu Lai. Hãng này đang lắp ráp, phân phối ô tô của các hãng phổ thông như Kia, Mazda, Peugeot.

Cơ hội nội địa hóa

Các khách mời dự lễ xuất xưởng Avanza và Veloz đã tận mắt ngắm các chi tiết, phụ tùng được làm tại Việt Nam và gắn tại các vị trí cụ thể trên các mẫu xe này. Tổng cộng có 237 chi tiết của xe Veloz và Avanza được sản xuất bởi 30 nhà cung cấp tại Việt Nam. Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới 58, trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại.

Trong buổi lễ xuất xưởng xe Veloz Cross và Avanza Premio, ông Hiroyuki Ueda, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng, đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển lớn của Toyota Việt Nam, đồng thời là lời khẳng định mạnh mẽ cam kết thúc đẩy sản xuất trong nước, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và đất nước.

Với cam kết phát triển sản xuất trong nước cùng với chiến lược nội địa hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của xe trong nước so với xe CBU nhập khẩu, Toyota Việt Nam đã triển khai hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp nhằm tạo ra nơi làm việc an toàn, sản phẩm chất lượng cao và chi phí cạnh tranh.

Toyota Việt Nam đã lập danh sách các nhà cung cấp nội địa tiềm năng về phụ tùng linh kiện ô tô tại Việt Nam, tiến hành phân loại và đưa ra kế hoạch hỗ trợ thích hợp. Riêng trong năm 2022, đã có 4 nhà cung cấp được lựa chọn là Kim Sen, Cao su 75, Nhật Minh, Osaka.

Khác với cách đi của Toyota Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ tại THACO AUTO được phát triển bằng nội lực. Kể từ khi đầu tư sản xuất ô tô tại Chu Lai năm 2023, THACO đã tự đầu tư công nghiệp phụ trợ. Tới nay, THACO đã có khoảng 20 nhà máy liên quan đến công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô, gồm nhà máy ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; linh kiện composite; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô với mục đích đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, giảm giá thành.

THACO đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy hiện hữu và đầu tư các dự án mới, như tổ hợp nội thất xe du lịch; sản xuất kính xe du lịch; mâm xe; linh kiện và sản phẩm xuất khẩu; các dây chuyền đúc, dập nóng và phát triển các dự án sản xuất công nghệ cao như sản xuất và lắp ráp linh kiện bo mạch điện tử, robot công nghiệp…

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tại Chu Lai sẽ có 36 nhà máy công nghiệp hỗ trợ và một tổ hợp cơ khí chế tạo với mục tiêu trở thành trung tâm cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Với nền tảng này, nhiều thương hiệu ô tô khác như Toyota, Hyundai đã đặt hàng THACO sản xuất một số chi tiết, linh phụ kiện.

Tin liên quan
Tin khác