Ô tô - xe máy
Muốn doanh nghiệp ô tô đầu tư mạnh, chính sách phải thoáng hơn
Hoàng Nam - 29/07/2021 09:23
Doanh nghiệp ngành ô tô mong muốn các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong quy định, bởi dịch bệnh đang làm doanh nghiệp và người tiêu dùng khó khăn hơn.
Doanh nghiệp ngành ô tô mong muốn chính sách thuận lợi để tiếp tục đầu tư. Trong ảnh: Sản xuất tại TC Motor

Kinh tế khó, sức mua giảm

Ủng hộ nhiều nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung của Bộ Tài chính về việc cho phép gia hạn Chương trình ưu đãi thuế sau giai đoạn năm 2020; cho phép các xe ô tô đã có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn và cấp trước ngày 1/1/2022 vẫn được tham gia vào Chương trình ưu đãi thuế; hay doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương án xét ưu đãi để được linh hoạt hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ô tô cũng đề nghị cơ quan chính sách xem xét kỹ thực tế để tiếp tục động viên sản xuất trong nước.

Nếu không có sự can thiệp kịp thời thì sản xuất ô tô trong nước khó có thể cạnh tranh được với nhập khẩu và ngành công nghiệp ô tô nếu không dựa trên nền tảng là sản xuất sẽ không thể phát triển.

Theo đại diện TC Motor, chương trình ưu đãi thuế nêu trên vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về điều kiện sản lượng. “Đặt trong bối cảnh thị trường và toàn ngành trước thời điểm dịch bệnh là phù hợp, nhưng hiện tại thị trường đã liên tục biến động ngoài dự báo, nên việc vẫn giữ nguyên mức sản lượng cố định như quy định hiện nay không còn phù hợp”, đại diện TC Motor nói.

Ngoài ra, Nghị định 122/2016/NĐ-CP, rồi sau đó là Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 57/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm tạo ra các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thị trường ô tô trong nước trước áp lực cạnh tranh của xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, khi tất cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đều đã hoặc đang trên lộ trình gỡ bỏ theo cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bởi vậy, doanh nghiệp cũng kiến nghị, xem xét điều chỉnh tiêu chí về sản lượng tối thiểu (bao gồm cả sản lượng chung và sản lượng riêng) trong quy định hiện nay.

Theo các doanh nghiệp, mức sản lượng tối thiểu được đưa ra theo từng nhóm xe tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 57/2020/NĐ-CP đã không còn phù hợp với sự sụt giảm của thị trường, đặc biệt và đối với phân khúc xe buýt, xe khách, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường, kéo theo sự biến động liên tục của thị trường. Giao thương giữa các quốc gia bị hạn chế, dẫn tới chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sản xuất đình trệ.

Trên thực tế, thị trường ô tô nửa đầu năm 2020 đã sụt giảm tới hơn 35%, đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sang nửa đầu năm 2021, tuy thị trường có tăng trưởng dương, nhưng vẫn âm 24% so với 6 tháng liền kề trước đó với phân khúc xe du lịch.

Còn xe khách/xe buýt là phân khúc bị tác động nghiêm trọng nhất, khi 6 tháng đầu năm 2020 giảm gần 80% so với cùng kỳ 2019 và trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục giảm 21% so với cùng kỳ 2020.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xe sản xuất, lắp ráp gặp nhiều khó khăn, thì sản lượng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc lại tăng trưởng đột biến.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, cộng dồn 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc đã tăng 99,6% về lượng và tăng đến 102,5% về giá trị. Nếu so sánh số liệu tháng 6/2021 với cùng kỳ năm ngoái, thì tăng trưởng lên tới 324,9% về lượng và tăng 265,1% về giá trị.

“Như vậy, nếu không có sự can thiệp kịp thời thì sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với nhập khẩu thương mại và ngành công nghiệp ô tô nếu không dựa trên nền tảng là sản xuất thì sẽ không thể phát triển đạt được mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra”, đại diện TC Motor nhận xét.

Động viên doanh nghiệp tiếp tục đầu tư

Để tạo động lực cho ngành công nghiệp ô tô phát triển, cũng như thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp nội, việc khuyến khích các doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam, hay nhận chuyển giao công nghệ từ các hãng nước ngoài, tạo nền tảng cho ngành này là cần thiết.

Theo hướng này, TC Motor đề nghị, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ sau ngày nghị định sửa đổi có hiệu lực, hoặc đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa đi vào sản xuất, kinh doanh tại thời điểm nghị định sửa đổi có hiệu lực, được tham gia Chương trình ưu đãi thuế mà không cần xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong 3 năm đầu tiên khi doanh nghiệp có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng trở lên và có giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ từ nhà sản xuất quốc tế theo hợp đồng chuyển giao công nghệ, cấp hợp lệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Từ trường hợp cụ thể của mình, TC Motor đã đề nghị cho phép các doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của từng công ty sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi chung là công ty nhận vốn góp) nếu đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi có một đơn vị trong hệ sinh thái này đạt điều kiện ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế thì các công ty nhận vốn góp còn lại hoặc Tổng công ty không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng trong cùng kỳ xét ưu đãi.

Cũng bởi thực tế dịch bệnh hiện nay chưa biết tương lai, các doanh nghiệp vận chuyển xe khách sẽ bị ảnh hưởng nhiều, nên doanh nghiệp cũng đề nghị ở phân khúc xe buýt/ xe khách, sản lượng chung tối thiểu để được hưởng ưu đãi là 300 xe, thay vì 360 xe và sản lượng riêng tối thiểu cho 1 mẫu xe hoặc tổng sản lượng riêng tối thiểu cho 2 mẫu xe là 150 xe, thay vì 200 xe như dự thảo.

“Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chính sách nên động viên doanh nghiệp trong nước tiếp tục đầu tư, bởi có đầu tư mới tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, giúp đảm bảo an sinh xã hội”, lãnh đạo TC Motor nêu quan điểm.

Tin liên quan
Tin khác