Các công ty Pháp, Italy tại Việt Nam kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thay đổi hơn để giúp họ duy trì hoạt động kinh doanh. (Ảnh minh họa) |
Cuộc khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFI) đối với 63 công ty Pháp tại Việt Nam cho thấy, một số biện pháp bổ sung của Chính phủ Việt Nam, gồm giảm các khoản đóng góp an sinh xã hội và miễn các khoản phạt liên quan đến việc thanh toán chậm là cần thiết để các doanh nghiệp duy trì hoạt động. Tuy vậy, vẫn cần xem xét các giải pháp dài hạn hơn đối với thuế giá trị gia tăng và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Adam Koulaksezian, Giám đốc CCIFI chia sẻ: “Chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch. Tuy nhiên, đôi khi có những khó khăn trong thủ tục hành chính khiến việc tiếp cận các giải pháp hỗ trợ trở nên khó khăn”.
Một doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp đã có hơn 10 năm hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam mong muốn được tiếp cận các khoản vay với lãi suất giảm, thời gian ân hạn một năm kể từ ngày Việt Nam công bố kiểm soát dịch và thực hiện hoàn trả trong 4-5 năm. Trong khi đó, một số công ty khác của Pháp chờ đợi được miễn thuế, hỗ trợ trả lương và phí thuê nhà để giải quyết những thách thức về dòng tiền.
Ông Michele D'Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam cho biết, việc duy trì hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” là một thách thức lớn đối với các công ty và nhà sản xuất. Song các công ty Italy đang cố gắng hết sức vì khách hàng trên khắp nơi trên thế giới đang chờ đợi sản phẩm của họ.
Theo ông D'Ercole, các công ty Italy đã phải đối mặt với tình trạng giảm doanh thu, lợi nhuận trong tháng 8/2021. Trong khi đó, chi phí để giữ công nhân ở lại trong nhà máy và duy trì mô hình “3 tại chỗ” ngày càng tăng. Do đó, các doanh nghiệp hoan nghênh bất kỳ giải pháp hỗ trợ nào của Chính phủ Việt Nam như miễn thuế, giảm lãi suất, chi phí năng lượng và phí thuê mặt bằng.
Thực tế, các công ty Italy đã tiếp cận những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành vào năm ngoái. Năm nay, họ sẽ sử dụng lợi thế nhỏ này để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, ông D'Ercole lưu ý, điều này không đủ để giải quyết tất cả các vấn đề.
“TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An vẫn đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh phức tạp. Điều quan trọng nhất là phải tiêm phòng càng sớm càng tốt cho người lao động ở những địa phương này để các nhà máy hoạt động trở lại càng sớm càng tốt”, ông D'Ercole nói.
Trước bối cảnh trên, sau khi Chính phủ thông qua Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng, một gói hỗ trợ mới về thuế và phí khoảng 24.000 tỷ đồng cũng đang được nghiên cứu.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.