Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Quảng Nam lại quay cuồng trong vòng xoáy thủ tục
Nhiệt Băng - 02/10/2024 08:38
Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam phản ánh, họ tiếp tục rơi vào “vòng xoáy” thủ tục và việc giải quyết các thủ tục này mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư các dự án.
Công ty cổ phần Tập đoàn Royal Capital khẩn thiết đề nghị tỉnh Quảng Nam tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Thanh Hà (Phân khu 1)

Đụng đâu vướng đó

Báo Đầu tư đã nhiều lần phản ánh thực trạng doanh nghiệp Quảng Nam “khóc ròng” trong vòng xoáy thủ tục. Đó là, Công ty cổ phần

MBLand Tonkin “toát mồ hôi” vì điều chỉnh thời hạn sử dụng đất (từ 70 năm xuống còn 50 năm) tại Dự án Khu du lịch biển cao cấp. Và Công ty cổ phần Tập đoàn Royal Capital khẩn thiết đề nghị tỉnh Quảng Nam tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Thanh Hà (Phân khu 1).

Sau đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam tiếp tục kiến nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam về hàng loạt khó khăn, vướng mắc khác. Theo ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, liên quan chủ trương giao đất “da beo”, đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 3021/UBND-KTN ngày 26/4/2021 cho những phần đất trước đây chưa giải phóng mặt bằng, nhưng nay đã hoàn thành thì cho phép giao đất để đồng bộ mặt bằng dự án.

Theo kế hoạch đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất vải mành, giai đoạn III và giai đoạn IV, với diện tích khoảng 21 ha, thuộc Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng, thì giai đoạn III (diện tích 14 ha) sẽ đi vào vận hành từ tháng 7/2023. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, chúng tôi vẫn chưa thể đưa Dự án vào vận hành, do còn vướng thủ tục về đất đai, như bồi thường và đơn giá cho thuê lại đất.

Ông Park Chan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam

Dẫu vậy, trên thực tế, hầu như chưa có dự án nào được thực hiện theo chủ trương này, hoặc nếu có thì chỉ áp dụng đối với phần nhỏ diện tích đất không thu tiền sử dụng đất, nên chưa đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Về phân kỳ đầu tư, ông Bảo cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất một lần toàn bộ dự án theo chủ trương đầu tư và định hướng phân kỳ dự án theo tiến độ giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các nhà đầu tư phân kỳ các dự án bất động sản thành các giai đoạn phù hợp với tiến độ giao đất.

Nhưng thực tế, tính đến ngày 8/8/2024, rất ít dự án phân kỳ theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được duyệt (trong từng phân kỳ đồng bộ hạ tầng kỹ thuật), phân kỳ theo tiến độ giải phóng mặt bằng và giao đất, trong khi đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc giao đất nhiều lần tại các dự án. Thế nên, khó khăn này đến nay vẫn chưa được tháo gỡ…

Về cấp sổ theo lô (block) và cấp sổ con từng lô đất, theo ông Bảo, căn cứ Công văn số 3021/UBND-KTN ngày 26/4/2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đối với các dự án đã được giao đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thi công cơ bản hạ tầng kỹ thuật, thì được xem xét cấp sổ theo lô. Tuy nhiên, riêng việc chậm xác định nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất như đã nêu trên, thì cho dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, dự án vẫn không thể được cấp sổ đỏ. Ngoài ra, việc thiếu quy định chi tiết về điều kiện cấp sổ đỏ theo lô đối với dự án bất động sản cũng gây ra nhiều khó khăn trong quá trình nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật.

“Hiện tại, doanh nghiệp nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ tài chính, hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật, nhưng lại không được giải quyết tách thửa, chuyển nhượng, đăng ký biến động cấp sổ con, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Bảo phản ánh đến chính quyền tỉnh Quảng Nam.

Đó là chưa kể, đơn giá cho thuê đất trả tiền hằng năm bị tính quá cao so với mặt bằng chung của địa phương và khu vực, doanh nghiệp không đồng ý với đơn giá, chưa ký hợp đồng thuê đất, khiếu nại để làm lại đơn giá, nhưng vẫn bị tính nợ thuế, bị cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế tài khoản. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính xem xét, giải quyết, nhưng đến nay vẫn không có tiến triển.

Theo ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã được UBND tỉnh tổ chức cuộc họp giải quyết. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo tinh thần Thông báo số 757-TB/TU ngày 24/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản hướng dẫn hỗ trợ, tháo gỡ cụ thể đối với từng dự án, từng chủ đầu tư trong thời gian qua.

“UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục có trách nhiệm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tập trung giải quyết thủ tục hành chính, không đặt thêm những thủ tục hành chính mà pháp luật không quy định; xử lý nghiêm những trường hợp sách nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch”, ông Dũng cho hay.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, khẩn trương báo cáo đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét, báo cáo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về các nội dung liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo lô theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, các văn bản pháp lý có liên quan và tình hình thực tiễn hiện nay, nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Dự án đầu tư bị “phanh” lại vì vướng thủ tục

Mới đây, Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Nam về loạt khó khăn, vướng mắc khi đầu tư tại địa phương. Theo ông Park Chan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam, hiện tại, thời gian triển khai thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất vải mành theo tiến độ đăng ký tại Giấy chứng nhận đầu tư số 6554563424 cấp ngày 28/4/2022, điều chỉnh ngày 24/8/2024 (đến hết quý IV/2024 hoàn thành giai đoạn III) đã cận kề.

Tuy nhiên, hiện tại, vẫn chưa có báo cáo bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư, đề nghị giao đất và việc xây dựng, ban hành giá cho thuê đất cụ thể của Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng.

“Theo kế hoạch đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất vải mành, giai đoạn III và giai đoạn IV, với diện tích khoảng 21 ha, thuộc Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng, thì giai đoạn III (diện tích 14 ha) sẽ đi vào vận hành từ tháng 7/2023. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, chúng tôi vẫn chưa thể đưa Dự án vào vận hành, do còn vướng thủ tục về đất đai, như bồi thường và đơn giá cho thuê lại đất”, ông Park Chan trình bày.

Ông Park Chan kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét nhanh chóng thực giao đất và ban hành giá cho thuê cụ thể đối với Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng để Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (CIZIDCO) có thể ký hợp đồng cho thuê lại đất cho giai đoạn III - Dự án Nhà máy sản xuất vải mành với Công ty trong năm nay.

Bên cạnh đó, ông Park Chan cho biết, công tác bồi thường cũng còn nhiều vướng mắc do liên quan xử lý đất công ích (5%) và chính sách bồi thường đối với đất và tài sản trên đất do người dân canh tác, nhưng không đủ điều kiện bồi thường. Điều này khiến việc ký hợp đồng thuê đất và làm các thủ tục pháp lý khác của Công ty TNHH Hyosung không thể thực hiện được, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư.

Liên quan các kiến nghị trên, UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng) khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 208/TB-UBND ngày 2/7/2024.

Cụ thể, tại Thông báo trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra, xem xét về điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn III và giai đoạn IV đối với Dự án đầu tư nhà máy sản xuất vải mành theo đề nghị của Công ty Hyosung, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư được hưởng các quyền lợi theo đúng quy định.

Về bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh giao CIZIDCO chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình khẩn trương tập trung giải quyết giải phóng mặt bằng giai đoạn III và giai đoạn IV Dự án đầu tư nhà máy sản xuất vải mành, đảm bảo điều kiện để Công ty Hyosung sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành chính thức; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý các tình huống phát sinh, vướng mắc (nếu có).

Về xác định giá đất cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh khẩn trương tham mưu, đề xuất trình cấp thẩm quyền xác định, phê duyệt giá đất cụ thể của Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng để làm cơ sở thực hiện việc giao đất, cho thuê đất.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các nội dung kiến nghị mới nhất của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam để kịp thời phối hợp tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc tại các dự án đầu tư theo thẩm quyền hoặc báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết theo đúng quy định.

Theo ông Bửu, quy hoạch Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt chưa có nhóm ngành nghề mà Công ty Hyosung đang lập dự án mới là nhà máy sản xuất nội thất cho ngành ô tô.

Do đó, ông Bửu đề nghị CIZIDCO rà soát, bổ sung quy hoạch ngành nghề thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng phù hợp với tình hình phát triển trong thời gian tới và cập nhật các ngành nghề mà Công ty Hyosung dự kiến đầu tư tại Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng để trình cấp thẩm quyền chấp thuận và thực hiện các thủ tục liên quan về môi trường.

Tin liên quan
Tin khác