Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Quảng Ngãi không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp
Linh Đan - 26/03/2023 16:59
Việc đầu tư vào nông nghiệp thực sự không dễ dàng vì cần nguồn vốn lớn, trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp và tương đối rủi ro, nên kén nhà đầu tư.

Thiếu vốn, rủi ro cao

Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được 34 dự án vào lĩnh vực nông nghiệp và cấp Quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 168,07 tỷ đồng. Trong đó, 19 dự án đã hoạt động, 15 dự án đang triển khai.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND về việc tổ chức hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, 6 dự án đã được hỗ trợ với số tiền 13,943 tỷ đồng.

Cùng với đó, trong năm 2022, từ nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch do UBND tỉnh giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Trong đó, 1 cơ sở áp dụng VietGAP trong sản xuất hành, tỏi; 6 cơ sở áp dụng HACCP trong sản xuất, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã… nhằm thu hút đầu tư phát triển sản phẩm và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Vốn đầu tư lớn, khó vay ngân hàng, trong khi sản phẩm không dễ tiêu thụ vì chưa có thương hiệu… là những rào cản khiến doanh nghiệp e dè khi đầu tư vào nông nghiệp.

Được biết, hầu hết doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là hộ kinh doanh, công ty nhỏ, nguồn vốn ít, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chưa có kinh nghiệm quản lý, thiếu thông tin thị trường…

Cùng với đó, các sản phẩm tiêu thụ còn khó khăn, do nguyên nhân như mẫu mã chưa đa dạng, phong phú, giá thành còn cao; công tác quảng bá cho sản phẩm chưa nhiều. Do thiếu kinh phí, nên việc xây dựng phát triển thương hiệu hạn chế; sản xuất còn tự phát, lao động là nông dân địa phương chưa qua đào tạo…

Đặc biệt, việc đầu tư vào nông nghiệp thực sự không dễ dàng vì cần nguồn vốn lớn, trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp và tương đối rủi ro, nên kén nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đây là hình thức đầu tư dài hạn, trong khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với các khoản vay có thời hạn ngắn, lãi suất biến động.

“Có tới 13 dự án đang triển khai gặp khó khăn, vướng về thủ tục giao đất, cho thuê đất. Nguyên nhân là do Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất của UBND cấp xã quản lý, hộ gia đình, cá nhân để cho doanh nghiệp thuê đất thực hiện dự án nông nghiệp”, UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu.

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ có thể ghi nhận, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư, bởi các nội dung kiến nghị này hầu hết là vướng mắc về cơ chế, chính sách theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, nên tỉnh không thể giải quyết được.

UBND tỉnh cũng khuyến nghị nhà đầu tư có thể nghiên cứu đề xuất dự án mới phù hợp, đảm bảo quy định và thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đồng hành, kịp thời hỗ trợ, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Chưa tiếp cận được với chính sách

Ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP (Nghị định 57) về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách được cụ thể hóa, với nhiều quy định mang tính đặc thù nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Với tỉnh Lâm Đồng, địa phương này có đặc điểm, điều kiện tự nhiên và vùng sản xuất chuyên canh với nhiều sản phẩm chủ lực như rau, hoa, cà phê, chè, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước lạnh… Triển khai thực hiện Nghị định 57 được xem là một trong những giải pháp căn cơ để thu hút các dự án đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù đã được phân bổ kinh phí để thực hiện, nhưng cả tỉnh mới chỉ 1 doanh nghiệp tham gia đề xuất và được hưởng chính sách của Nghị định 57.  Kết quả này là quá ít so với danh mục thu hút đầu tư đã được UBND tỉnh ban hành cũng như tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, dù công tác tuyên truyền đã được các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện, song vẫn còn nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa tiếp cận được với chính sách.

Mặt khác, số lượng lớn doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mạnh dạn đề xuất tham gia, do tâm ý e ngại. Trong khi đó, một số dự án thu hút đầu tư thuộc danh mục ban hành tại Quyết định 1710/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa thực sự tốt, hầu hết các bước hỗ trợ đều do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôi khi không nắm bắt được hết lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác