Các doanh nghiệp lo lắng với khối tài sản đã đầu tư 8 năm qua |
Trong văn bản gửi UBND huyện Quốc Oai (TP.Hà Nội), 9 doanh nghiệp sản xuất gạch nung đang hoạt động trên địa bàn đã đề nghị gia hạn thời gian chấm dứt hoạt động đến hết ngày 31/12/2020.
Ông Tạ Đức Đôn, đại diện cho 9 doanh nghiệp đã đứng tên trên kiến nghị này. Lý do là họ nhận được yêu cầu của UBND huyện Quốc Oai ký ngày 21/3/2019 yêu cầu các cơ sơ lò gạch ký cam kết thu dọn nguyên vật liệu sản xuất gạch và trả lại mặt bằng trước ngày 1/6/2019.
“Việc này rất khó khăn cho chúng tôi vì đầu tư không hề nhỏ. Trung bình, mỗi lò gạch nung chúng tôi phải đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Vốn chủ yếu đi vay”, ông Đôn lý giải.
Ông Đôn vốn là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Thịnh, hiện lui lại, không điều hành trực tiếp, nhưng muốn đứng ra đại diện cho các doanh nghiệp trong vùng.
Theo phân tích của các doanh nghiệp, với công suất khoảng 4 triệu tấn/năm như các lò hiện tại, với thị trường hiện tại, mỗi lò mất khoảng 10 năm thu hồi vốn. Các cơ sở này được cấp phép từ năm 2011, nên đến nay mới được 8 năm, chưa bắt đầu vào giai đoạn thu hồi vốn.
Thông tin này cũng đã được cung cấp cho UBDN huyện Quốc Oai. Tuy nhiên, điều ông Đôn và các doanh nghiệp sản xuất gạch nung muốn nhấn mạnh, mặc dù được gọi là lò gạch, nhưng họ không phải diện lò gạch đứng thủ công, gây ô nhiễm.
“Chúng tôi sử dụng công nghệ lò vòng để sản xuất gạch nung. Nguyên liệu 100% là tro xỉ thu mua các nhà máy nhiệt điện phía bắc – giúp các nhà máy xử lý bài toán về rác thải gây ô nhiễm môi trường. Lò vòng cũng không tạo ra khói, bụi gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cũng không sử dụng 1 kg nhiên liệu hóa thạch nào”, ông Đôn nói.
Trong văn bản gửi UBND huyện Quốc Oai, các doanh nghiệp cho biết đã tuân thủ các tiêu chuẩn về quan trắc môi trưởng, bảo vệ nguồn nước, không khí và không gây ra tình trạng khói bụi như sử dụng nguyên liệu than truyền thống.
“Chúng tôi thấy phù hợp với Quy hoạch của UBND TP. Hà Nội về phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Chúng tôi cũng đã được cấp phép từ năm 2011, không đầu tư mới vào giai đoạn 2016-2020, nên nếu chính sách thay đổi, buộc chúng tôi phải chấm dứt, thì kính mong xem xét thực tế để có sự hỗ trợ, bồi thường cho chúng tôi”.
1. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Phong Hải
2. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Tuyên Dương
3. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Tài
4. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Lộc
5. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Thịnh
6. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Mạnh Quang
7. Công ty TNHH sản xuất VLXD và thương mại Hoàng Long Hà Nội
8. Công ty TNHH sản xuất VLXD và thương mại Thảo Miện
9. Công ty TNHH sản xuất VLXD và thương mại Hoàng Long