Doanh nghiệp
Doanh nghiệp sản xuất phản ánh bị “vạ lây” từ khó khăn của bất động sản
Việt Dũng - 17/02/2023 21:18
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM tiếp tục phản ánh khó khăn về vốn, lãi suất cho vay còn cao, thậm chí “vạ lây” khi thị trường bất động sản đóng băng…

Ngày 17/2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với khá nhiều khó khăn nhất định.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)


Trong lĩnh vực dệt may, đơn hàng thiếu và bị cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm khi đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng.

“Sự sụt giảm của niềm tin trên thị trường bất động sản, thị trường gần như đóng băng hoàn toàn và có khả năng còn kéo dài”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cho biết đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Hòa, lãi suất tiền vay hiện nay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Ngân hàng nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh nhằm hạ lãi suất vay. 

Thậm chí, việc khống chế tỷ lệ biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.

Đồng quan điểm, đại diện lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn TP.HCM cũng phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất cao. 

Toàn cảnh buổi gặp mặt


Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng, lãi suất tăng cao đang ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất thời gian qua.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - thêu đan TP.HCM thông tin thêm, không chỉ lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng mà một số ngân hàng còn định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% giá trị tài sản năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng của doanh nghiệp, càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.

“Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, tối thiểu, nếu trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu”ông Phạm Văn Việt lo lắng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phản ánh nhiều vấn đề khác liên quan đến thu hút đầu tư, giá thuê đất, quy hoạch, xây dựng, hoạt động xúc tiến thương mại và bán hàng, vấn đề quảng cáo, quảng bá kinh doanh…

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và đề nghị HUBA cụ thể hóa từng kiến nghị cũng như đề xuất giải pháp xử lý. Thành phố sẽ giao cho từng sở ngành và có thể mời từng doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc cụ thể. Bởi các vướng mắc phản ánh không chỉ liên quan tài chính, mà còn liên quan đất đai, xây dựng, đầu tư…

Phó chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các sở, ngành có liên quan cần chủ động mời từng nhóm hoặc từng doanh nghiệp cụ thể để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ. Với những nội dung liên quan chính sách dài hạn, chiến lược dài hạn nhất là ngành công thương cần xem xét đưa vào đề án quy hoạch, phát triển các ngành. 

“Khó khăn của doanh nghiệp nhiều, nhưng liên quan chính đến pháp lý và trách nhiệm công cụ. Về vấn đề pháp lý, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương nếu vượt thẩm quyền, còn trách nhiệm công vụ cần nâng cao, cải thiện chất lượng”, ông Hoan nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng hoan nghênh UBND Thành phố đã tổ chức cuộc họp lắng nghe doanh nghiệp và khẳng định những vấn đề khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của trung ương sẽ tiếp tục kiến nghị.

Còn những tồn tại của thành phố cần tiếp tục tháo gỡ với quan điểm đẩy nhanh tốc độ hơn nữa, những chính sách hỗ trợ trong thẩm quyền của thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu. Cần soi từng đầu việc để tìm giải pháp, từng đề xuất của doanh nghiệp ở từng ngành cụ thể cũng được chỉ đạo để tháo gỡ trong thời gian tới.

Cần tiếp tục chuyển đổi số, đẩy mạnh hơn nữa và cải cách ở từng cơ quan cho đến hệ thống chính quyền. Phải làm sao công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Thủ tục là phải tối giản, nhưng trong bối cảnh càng khó khăn thì sự nỗ lực càng phải tiếp tục.

Cần cơ chế mới cho chương trình kích cầu đầu tư để phù hợp với bối cảnh mới. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực du lịch. Cải thiện môi trường sống, văn mình, hiện đại. Các hoạt động phải gắn chặt với văn hóa, an ninh, trật tự, an toàn, kết nối vùng…

Tin liên quan
Tin khác