Doanh nghiệp đang không đoán định được việc thực hiện hậu kiểm như thế nào, khiến hoạt động kinh doanh rơi vào thế bị kiểm tra bất cứ lúc nào và không biết sẽ có rủi ro gì xảy ra sau đó. |
Ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Công ty Luật NHQuang và Cộng sự đã kể lại sự bất an này trong buổi công bố Báo cáo Chỉ số Đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020, vừa được tổ chức giữa tuần. Ông kể, khi khảo sát thực tế, nhiều doanh nghiệp nói rất muốn chuyển cơ chế quản lý nhà nước từ tiềm kiểm sang hậu kiểm để giảm bớt chi phí chờ đợi, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và cho cả cơ quan quản lý; tăng thêm cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp... Nhưng, thực tế triển khai khiến mong muốn này giảm đi.
Lý do là, doanh nghiệp đang không đoán định được việc thực hiện hậu kiểm như thế nào, khiến hoạt động kinh doanh rơi vào thế bị kiểm tra bất cứ lúc nào và không biết sẽ có rủi ro gì xảy ra sau đó. Thậm chí, có doanh nghiệp sợ cơ quan quản lý nhà nước vin vào cơ chế này để bắt lỗi, làm khó với mục tiêu xử phạt.
Thực trạng này cần được cảnh báo.
Khái niệm “tiền đăng, hậu kiểm” được nhắc đến từ những năm 1999, khi Luật Doanh nghiệp (năm 1999) được ban hành. Khi đó, đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đầu tiên áp dụng cơ chế này theo nguyên tắc, các thông tin của người đăng ký kinh doanh được ghi nhận và hoạt động quản lý nhà nước được thực hiện sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Ngay thời điểm đó, cơ chế này cùng với nguyên tắc hạn chế tối đa can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước tới hoạt động của doanh nghiệp đã tạo nên một cuộc cách mạng trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, cơ chế hậu kiểm là gì? Có phải là cơ chế doanh nghiệp làm trước, Nhà nước kiểm tra sau hay không; thực hiện theo quy trình, thủ tục ra sao, giới hạn thời gian thế nào… chưa rõ. Hậu quả là, các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường gắn với cơ chế hậu kiểm. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp đề nghị… tiền kiểm cho nhanh, để yên tâm hoạt động về sau.
Như vậy, một cơ chế tiến bộ đã không thể phát huy hiệu quả.
Trong khá nhiều nghiên cứu về quản lý nhà nước, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là tư duy quản lý nhà nước chưa thay đổi. Tâm lý nhà nước phải nắm được mọi hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng cơ quan nào cũng phải sử dụng công cụ kiểm tra để thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình. Đáng nói, đây cũng là tâm lý khá chung trong xã hội về quản lý nhà nước, dễ thấy khi doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật, cơ quan đầu tiên bị gọi tên là cơ quan đăng ký kinh doanh, vì sao không kiểm tra, sao để người không đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp…
Trong khi đó, hậu kiểm là cách thức quản lý nhà nước theo cơ chế rủi ro và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, tương tự cơ chế luồng xanh, luồng đỏ với kiểm tra hải quan. Nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp luồng đỏ, còn lại sẽ mở rộng dư địa để các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật tối giản mọi thủ tục hành chính. Song song với hoạt động này, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ quy định pháp luật.
Như vậy, về bản chất, công cụ quản lý nhà nước lúc này là thông tin minh bạch, rõ ràng, công khai để các bên nắm rõ, thực hiện đúng. Các công chức sẽ đóng vai trò hỗ trợ, cánh báo sớm, thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ, thay vì tìm cách bắt lỗi để xử phạt.
Tất nhiên, cơ chế này đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp trong tuân thủ quy định pháp luật. Song các chuyên gia cho rằng, xu thế làm đúng pháp luật đang là yêu cầu doanh nghiệp buộc phải chọn, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, bởi đây là điều kiện tiên quyết để ký được các hợp đồng với các nhà nhập khẩu quốc tế.
Cũng phải nhắc lại, cho tới thời điểm này, Cục Thuế tỉnh Bình Định vẫn đang là ví dụ duy nhất cho một cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước mà không cần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Câu chuyện này được lan tỏa cuối năm ngoái, khi đánh giá về những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong năm với kỳ vọng sẽ được nhân rộng.
Doanh nghiệp đã thay đổi, muốn thay đổi; các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải thay đổi tư duy và tìm kiếm các công cụ quản lý mới phù hợp xu thế phát triển.