Tinh bột sắn xuất khẩu của Công ty An Phát |
Đối thoại “hình thức”, không kết quả
Ngày 12/7, Công ty An Phát nhận được giấy mời của Cục Thuế Hà Nội với nội dung mời đại diện pháp luật và kế toán trưởng của Công ty đến Cục Thuế để thực hiện ký biên bản đối thoại vào ngày 13/7/2023.
Trước đó, ngày 23/6/2023, Cục Thuế Hà Nội đã tổ chức buổi đối thoại với đại diện Công ty An Phát về việc phối hợp tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế VAT kỳ hoàn số 32 và 33 của Công ty.
Tuy nhiên, kết thúc cuộc đối thoại, An Phát không ký biên bản họp. Ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc Công ty cho biết, tại buổi đối thoại hôm 23/6, doanh nghiệp đã nêu ra những vướng mắc và đề nghị Cục Thuế trả lời, doanh nghiệp cũng đưa ra ý kiến, nhưng trong biên bản lại không ghi đúng và đầy đủ nội dung doanh nghiệp đã phát biểu.
Vụ việc của An Phát đã gần 4 năm, hồ sơ rõ ràng, nhưng đến giờ, cơ quan thuế vẫn không ra quyết định hoàn thuế, mà tiếp tục “Đề nghị doanh nghiệp nêu đề xuất tháo gỡ để cơ quan thuế ghi nhận và báo cáo”. Cục Thuế không có một phương án nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Vì vậy, cuộc đối thoại đã không mang lại kết quả.
Trong công văn gửi Cục Thuế Hà Nội ngày 12/7, An Phát tiếp tục từ chối ký Biên bản được Cục Thuế soạn thảo hôm 23/6 và đề nghị Cục trả lời bằng văn bản cho Công ty.
“Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao đến nay Cục Thuế Hà Nội vẫn muốn ghi nhận và báo cáo cái gì, báo cáo đến đâu nữa? Khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Tổng cục Thuế nhận được rất nhiều đơn kiến nghị của doanh nghiệp đều gửi phiếu chuyển yêu cầu Cục Thuế Hà Nội phải khẩn trương giải quyết cho doanh nghiệp”, ông Phạm Minh Khoa bức xúc.
Tại buổi đối thoại ngày 23/6, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, hợp đồng là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, hợp đồng của An Phát đang có sự không thống nhất về thông tin, doanh nghiệp khẳng định hợp đồng đúng, cơ quan thuế xác minh, thì người mua lại không thừa nhận.
Theo bà Nguyễn Thị Sâm, Kế toán trưởng Công ty An Phát, cơ quan thuế đủ chức năng và quyền hạn, nghiệp vụ để chứng minh được doanh nghiệp nộp và kê khai thuế đúng hoặc vi phạm mua bán hóa đơn vòng vèo trốn thuế.
Việc này căn cứ vào 3 yếu tố.
Thứ nhất, nguồn gốc hàng hóa chứng minh đầu vào có hành vi trốn thuế hay không?
Thứ hai, tờ khai hàng xuất khẩu có đúng hay không, đã thực xuất có cơ quan hải quan xác nhận chưa?
Thứ ba, chứng từ thanh toán qua ngân hàng có hợp lệ hay không?
Khi An Phát đủ 3 điều kiện trên, có nghĩa doanh nghiệp không trốn thuế, không thể nói là có dấu hiệu vi phạm để chuyển cho công an điều tra.
Vẫn theo bà Sâm, cơ quan thuế không chứng minh được doanh nghiệp vi phạm. Trường hợp Tổng cục Thuế gửi thông tin của các công ty xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đất liền phía Trung Quốc áp dụng chính sách biên mậu cho cư dân biên giới, thì việc Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế Trung Quốc trả lời xác minh sẽ không phù hợp, dẫn đến đã trả lời không đúng cho cơ quan thuế Việt Nam.
Hơn nữa, doanh nghiệp trong nước không kiểm soát được việc từ chối giao dịch của khách hàng. An Phát không phải chịu trách nhiệm với hàng hóa đã xuất khẩu sau thông quan vì hàng hóa sau khi xuất khẩu đã thuộc về khách hàng.
“Hàng khi xuất khẩu đã có hải quan Việt Nam xác nhận, tiền hàng được khách hàng Trung Quốc thanh toán qua ngân hàng từ Trung Quốc chuyển về ngân hàng Việt Nam. Tiền thuế thì Nhà nước không mất, tiền bán hàng doanh nghiệp đã thu được, hồ sơ đề nghị hoàn thuế hợp lệ theo quy định. Chúng tôi không hiểu tại sao hồ sơ lại bị đá qua, đẩy lại như vậy”, bà Sâm nói.
Doanh nghiệp hy vọng “được sống”
Tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/7, câu chuyện của Công ty An Phát mà Báo Đầu tư phản ánh được đưa ra phân tích như ví dụ điển hình về việc cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nộp thuế đầu vào đương nhiên phải được hoàn thuế đầu ra. Đây là nghĩa vụ của Nhà nước, chứ người ta không xin. Đây là tiền của người ta, quỹ để hoàn thì năm nào Quốc hội cũng bố trí, đấy là tiền của người ta mà trì trệ thế này”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chống gian lận, chống sai sót, nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn, mà tiền của doanh nghiệp lại không hoàn, kéo dài đến mấy năm. Nếu đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp thì có thể sống được không? Đây là vấn đề rất bức xúc đã được báo chí, cử tri nói nhiều. Quốc hội cũng đã có nghị quyết và Chủ tịch yêu cầu “việc hoàn thuế phải làm ngay”.
Hiệp hội Sắn Việt Nam phân tích, bản chất của hoàn thuế VAT hàng nông sản của Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới chính là doanh nghiệp đã nộp 10% thuế VAT đầu vào mà hàng được xuất khẩu đi (thuế VAT đầu ra 0%) thì doanh nghiệp phải được hoàn thuế.
Theo quy định pháp luật về điều kiện được khấu trừ, hoàn thuế VAT, không có bất cứ điều luật nào yêu cầu phải xác minh khách hàng nước ngoài trả lời đúng khớp với doanh nghiệp xuất khẩu mới được khấu trừ, hoàn thuế VAT. Điều này là bất khả thi, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, khi xác định có hàng hóa thật, có mua bán đầu vào thật tại Việt Nam và đã xuất khẩu thật 100% sang nước ngoài theo xác nhận của hải quan thì doanh nghiệp phải được hoàn thuế VAT theo đúng quy định, đúng bản chất hoàn thuế VAT hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Nhắc lại Công văn số 181/CSKT-Đ5 ngày 18/1/2023 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội gửi Cục Thuế Hà Nội về việc trao đổi kết quả xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế VAT, ông Phạm Minh Khoa khẳng định: “Cơ quan cảnh sát điều tra không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh công ty chúng tôi vi phạm và đã tổng hợp kết quả xác minh về tất cả các đối tác, các ngân hàng, tài khoản ngân hàng liên quan, giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào, đầu ra, xác minh tất cả các chi cục hải quan liên quan, hàng hóa được xuất khẩu 100% qua các cửa khẩu đúng khối lượng, giá trị hàng theo đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp. Theo đó, An Phát đủ điều kiện được hoàn thuế và không có bất kỳ lý do nào để dừng hoàn thuế của An Phát”.
Ông Khoa cũng cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc khác tại Việt Nam đều có chung khách hàng và hình thức kinh doanh xuất khẩu giống hệt An Phát vẫn được hoàn thuế VAT, khấu trừ thuế mà không phải xác minh nước ngoài.
Đầy hy vọng trước sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Công ty An Phát tiếp tục gửi công văn đến Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội, đề nghị được giải quyết hoàn thuế VAT, để doanh nghiệp “được sống”.
Vấn đề vướng mắc là do Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 có nội dung “Đối với các hồ sơ hoàn thuế đã có kết quả trả lời xác minh của cơ quan thuế nước ngoài (đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam) thì cục thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý. Khi có kết luận của cơ quan công an và các cơ quan có liên quan thì cục thuế xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định”.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, mặt hàng sắn xuất khẩu sang Trung Quốc được bán theo Điều kiện giao hàng tại biên giới (người bán chỉ chịu trách nhiệm giao hàng đến cửa khẩu xuất hàng). Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, để xác định có hay không việc xuất khẩu bột sắn, cơ quan thuế kiểm tra bộ hồ sơ gốc về hàng hóa của doanh nghiệp và hồ sơ hoàn thuế, trong đó có hồ sơ hải quan tại nơi thông quan, kiểm hóa trước khi xuất hàng. Đây là bằng chứng có giá trị pháp lý tin cậy và quyết định việc xác thực hàng hóa đã xuất khẩu.
Lý do mà cơ quan thuế đưa ra để không hoàn thuế vì người mua hàng phía Trung Quốc không xác nhận mua bán với doanh nghiệp Việt Nam là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.