Phụ thu từ 40-60%
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải ô tô đã mở bán vé đi lại dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Đặc biệt là tại các tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung, nơi luôn được xem là điểm “nóng” về tình hình tàu xe Tết, vé xe Tết đã được mở bán nhiều ngày nay. Đáng nói, kế hoạch bán vé của hầu hết các DN đều áp dụng mức phụ thu từ 40-60% so với ngày thường.
Theo đại diện Bến xe miền Đông, sản lượng khách qua bến xe trong dịp Tết Ất Mùi này không tăng so với năm ngoái, nhưng mức phụ thu sẽ từ 20-60% giá vé, tính từ ngày 31/1 (12/12 tháng Chạp) tùy theo các tuyến.
Xếp hàng mua vé tại Bến xe miền Đông |
Cụ thể, đối với các tuyến từ Huế trở ra các tỉnh phía Bắc, phụ thu 60% từ ngày 9-18/2 (21-30/12 Âm lịch); các tuyến từ Phú Yên ra đến Quảng Nam, Đà Nẵng và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, phụ thu 60% từ ngày 10-18/2 (22-30/12 âm lịch). Các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận phụ thu 60% từ 12-18/2 (24-30/12 âm lịch).
Tại khu vực Hà Nội, đại diện Công ty Bến xe Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại chưa có DN vận tải nào thông báo về việc áp dụng phụ thu vé dịp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay, từ tháng 11 tới nay, có khoảng 70% đơn vị vận tải đã giảm giá vé trong số 200 DN hoạt động tại đây. Trong đó, mức giảm trung bình khoảng 10%, DN giảm nhiều nhất khoảng 18%.
“Về việc áp dụng mức phụ thu giá vé dịp Tết sắp tới, các nhà xe dường như vẫn còn đang thăm dò sự ổn định của giá xăng dầu. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục đi xuống như hiện nay thì các DN vận tải phải giảm giá hơn nữa mới phù hợp”, ông Tuấn nói.
Không chấp nhận tình trạng cước phí vận tải lộn xộn
Dù chưa có DN vận tải nào ở khu vực miền Bắc đăng ký áp dụng mức phụ thu trong dịp Tết, vừa qua Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ chiều xe chạy rỗng cho tuyến từ 150-300km ở mức 30%, tuyến trên 300km với mức 40% giá vé hiện hành.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội giải thích, bây giờ nên trợ giá công khai, rõ ràng để thu hút thêm các xe chạy hợp đồng vào chạy tuyến trong dịp Tết để tránh tình trạng xe dù thu tiền vô tội vạ của hành khách ngoài bến.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tại các bến xe, lượng người đăng ký mua vé sẽ rất đông, nhiều nhà xe tăng giá chiều về từ 20-50%. Mặc dù dư luận rất phản đối vấn đề này nhưng sẽ có những tuyến cần hỗ trợ chiều về hoặc có cơ chế bù giá, đặc biệt đối với những xe tham gia tăng cường dịp Tết.
Liên quan đến vấn đề này, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của toàn ngành sáng 19/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định sẽ siết chặt lại hoạt động vận tải, kiểm soát chặt chẽ cước phí theo hướng không làm khó cho DN nhưng bảo đảm hoạt động công bằng, minh bạch.
“Không thể để tình trạng cước phí vận tải lộn xộn như hiện nay, điều đó là không thể chấp nhận được. Phải thể hiện được vai trò quản lý của Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các Sở GTVT, Sở Tài chính địa phương trong vấn đề này”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và các lễ hội tới đây, người đứng đầu ngành GTVT cũng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan để đảm bảo việc đi lại cho người dân, không để bất kỳ người dân nào có nhu cầu về quê mà không có phương tiện đi lại.
Phan Trang (VGP News)