Điểm lại thực trạng không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà còn ở khắp các nước phát triển trên thế giới: Từ năm 2012, các tập đoàn viễn thông đã đưa ra nhiều biện pháp như chặn hoặc thu phí đối với các dịch vụ OTT, đưa ra các gói cước kích cầu…, nhưng hầu hết không đạt hiệu quả mong muốn. Người dùng vẫn tiếp tục “bỏ rơi” nhà mạng.
Trong một diễn biến khác, sự phát triển của công nghệ cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các đài truyền hình, khi người dùng bắt đầu tìm kiếm nội dung phim, ca nhạc hay các chương trình giải trí qua nhiều ứng dụng miễn phí, thay vì sử dụng các kênh truyền hình trả tiền trước kia.
Việc đầu tư vào truyền hình sẽ mở ra cơ hội tăng doanh thu cho MobiFone |
Giải pháp tối ưu: Viễn thông đi đôi truyền hình
Trong bối cảnh đó, việc nhà mạng viễn thông và truyền hình bắt tay hợp tác để tạo nên hệ sinh thái “hội tụ” là điều chắc chắn xảy đến và hoàn toàn hợp lý, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả hai bên. Tiêu biểu có thể kể đến Telenor ở Thụy Điển đã mua lại Tele2 để trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình với 270.000 thuê bao.
Tại Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng kinh doanh đa dịch vụ của thế giới, các “ông lớn” ngành viễn thông lần lượt bắt tay làm truyền hình. Vào tháng 3 vừa qua, MobiFone đã chính thức mua lại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Qua quyết định đầu tư của MobiFone, có thể thấy khá rõ tiềm năng lợi ích đến từ hội tụ viễn thông - truyền hình.
Lợi ích kinh tế
Nhìn từ góc độ đầu tư, các chuyên gia cho rằng, thương vụ mua lại AVG chính là động thái giúp MobiFone mở rộng lĩnh vực dịch vụ, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp với các đối thủ khác.
Theo đại diện MobiFone, việc đầu tư vào truyền hình sẽ mở ra cơ hội gia tăng doanh thu từ các nguồn thu mới tiềm năng cho MobiFone, như quảng cáo và các gói dịch vụ bán kèm và bán chéo data, giá trị gia tăng... Cụ thể, với việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, MobiFone có thể tung ra các gói khuyến mãi, giảm giá khi khách hàng sử dụng cùng lúc cả dịch vụ truyền hình và viễn thông. MobiFone cũng có thể phát triển thêm nhiều sản phẩm truyền hình mới trên nền tảng của viễn thông. MobiFone cũng sẽ tích hợp nhiều gói cước mới, bao gồm cả viễn thông, truyền hình, data.
Chăm sóc khách hàng và bệ phóng thương hiệu
Bằng việc hội tụ truyền hình và viễn thông, những kênh truyền hình với nội dung tương tác của MobiFone sẽ giúp tạo ra những trải nghiệm khách hàng mới và nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng của MobiFone. MobiFone đang có trong tay data của hơn 40 triệu thuê bao viễn thông và gần 700.000 thuê bao truyền hình. Phân tích data của tập khách hàng này, MobiFone có thể dễ dàng hơn trong việc nắm bắt nhu cầu, thói quen của họ.
Trong tương lai gần, việc giải quyết mọi nhu cầu của người dùng, từ việc sử dụng 3G, truy cập Internet, cho đến giải trí với các chương trình truyền hình hay đàm thoại thông thường… thông qua những gói cước tích hợp viễn thông và truyền hình sẽ giúp MobiFone thể hiện sự thấu hiểu nhu cầu khách hàng. Việc này sẽ giúp MobiFone mang đến trải nghiệm dịch vụ tiện lợi nhất cho khách hàng, qua đó tăng cường sự gắn kết và trung thành của họ với thương hiệu. Trong tầm nhìn 2020, MobiFone đặt mục tiêu là thương hiệu Việt Nam được yêu thích nhất. Truyền hình chính là một yếu tố quan trọng để đơn vị viễn thông này hiện thực hoá tầm nhìn của mình.
Ngoài ra, tham gia vào truyền hình, MobiFone sẽ có thêm một hệ thống truyền thông hiệu quả để quảng bá sản phẩm - dịch vụ viễn thông, giá trị gia tăng của mình.
MobiFone sẽ trở thành nhà cung cấp đa dịch vụ, đáp ứng một cách đầy đủ, hoàn thiện, trong một vòng “khép kín” rất nhiều nhu cầu khác nhau của từng cá thể người dùng tại mọi thời điểm trên mọi thiết bị. MobiFone gọi đó là một “hệ sinh thái” và truyền hình chính là miếng ghép hoàn hảo để hệ sinh thái này phát triển.