Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt hào hứng đưa hàng sang Nga
Thế Hoàng - 30/07/2015 08:44
Kỳ vọng ban đầu của Ban Tổ chức Hội chợ - Bán hàng: “Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015” là kêu gọi được 100 doanh nghiệp tham gia, nhưng đến thời điểm này số doanh nghiệp đăng ký đã vượt qua con số này và còn khả năng tăng nữa.

 

Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan tổ chức sự kiện cùng nhiều ưu đãi đã khiến các doanh nghiệp hào hứng tham gia Hội chợ để đưa hàng hóa vào giới thiệu và bán tại thị trường Nga.

NEM, nhãn hàng thời trang có tiếng tại nội địa là một trong nhiều tên tuổi sẽ góp mặt tại Hội chợ lần này. Ông Nguyễn Hải Anh, Phó tổng giám đốc Thời trang NEM cho hay, với sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị tổ chức, NEM rất tin tưởng khi tham dự Hội chợ tại Nga,  đây là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm, mà nếu chỉ một mình doanh nghiệp thì sẽ khó thực hiện được, do gặp khó khăn về ngôn ngữ, tìm hiểu thị trường, kinh phí…

“NEM muốn tranh thủ thời gian trước khi Hội chợ diễn ra để quảng bá sản phẩm với khách hàng Nga, chứ không chỉ nhằm đưa hàng bán tại sự kiện. Từ đó là bàn đạp để NEM có mặt lâu dài tại Nga và tương lai là các thị trường thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu”, ông Hải Anh cho biết.

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội chợ hàng Việt tại Nga, ông  Đào Trọng Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Thần Châu Ngọc Việt cho biết, từ trước đến nay, chúng ta chưa có kế hoạch bài bản giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ mang sản phẩm ra các hội chợ ở nước ngoài. Bởi vậy, với sự hỗ trợ ở mức tốt nhất tại sự kiện Hội chợ - Bán hàng: “Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015” tới đây, chắc chắn sẽ nhận được sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp.

Dù còn không ít băn khoăn khi tiếp cận thị trường, nhưng sự đồng hành và ưu đãi từ các đơn vị tổ chức đã giúp phần nào cho doanh nghiệp đỡ khó, đỡ gánh nặng chi phí để tự tin chào hàng tại thị trường Nga. Bởi vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng sau thời gian tham gia Hội chợ bán hàng tại đây.

Đơn vị tổ chức Hội chợ là Công ty cổ phần Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội - Matxcơva (Incentra) cho biết, Incentra sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ở mức cao nhất, như miễn 100% tiền thuê gian hàng, hỗ trợ 50% phí lưu trú tại Khách sạn Hà Nội - Mátxcơva và chi phí đi lại trong khu vực khảo sát thị trường theo chương trình hội chợ, hỗ trợ thủ tục làm giấy mời, visa sang Liên bang Nga.

Trong khi đó, một thành viên trong Ban tổ chức là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) quyết định hỗ trợ 50% chi phí vé máy bay cho doanh nghiệp khi tham gia hội chợ. Ngân hàng BIDV sẽ tài trợ một phần kinh phí cho công tác chuẩn bị mặt bằng hội chợ, hỗ trợ thanh toán thuận tiện cho doanh nghiệp. Những quan ngại của doanh nghiệp liên quan đến khâu thanh toán trong giao dịch hàng hóa với thị trường Nga cũng được BIDV giải quyết ổn thỏa.

“BIDV đã phối hợp với các ngân hàng thương mại hàng đầu tại Nga, thiết lập kênh thanh toán song phương nhằm khơi thông quan hệ thanh toán thương mại giữa hai thị trường, với gói sản phẩm dịch vụ thanh toán toàn diện không chỉ bằng các ngoại tệ truyền thống, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thêm lựa chọn thanh toán bằng đồng bản tệ của hai nước (RUB và VNĐ), cùng những sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá và lãi suất đi kèm”, đại diện BIDV nhấn mạnh.

Được biết, thị trường Nga đang có nhu cầu rất lớn về tiêu dùng hàng hóa Việt Nam với các sản phẩm thuộc ngành hàng giày dép, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ…

Ông Sergey Dudin, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vùng Novosibirsk (Liên bang Nga) cho biết, thị trường Nga luôn rộng mở với hàng hóa Việt Nam. Trong lịch sử giao thương Việt Nam - Liên bang Nga, có một thời, những sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ rất quen thuộc với người tiêu dùng Nga. Với nhiều cơ hội về thị trường đang mở ra từ các hiệp định thương mại và tâm lý ưa chuộng sản phẩm tiêu dùng phong phú từ các nước châu Á và không quá khắt khe về chất lượng, ông Sergey Dudin khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đưa hàng sang Nga.

Số liệu từ Bộ Công thương, năm 2014, kim ngạch thương mại Việt Nam và Liên bang Nga đạt trên 3 tỷ USD và sẽ vượt 12 tỷ USD vào năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác