Thời sự
Hàng Việt rộng cửa vào Nga
Anh Đan - 13/07/2015 09:09
Những mặt hàng tiềm năng của Việt Nam có thể rộng cửa hơn sang thị trường Nga nhờ chính sách thuế suất về 0% khi FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực.
Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva

Gạo, cà phê, cao su, thủy hải sản, may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ… là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Nga. Khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh kinh tế Á – Âu và Việt Nam được ký kết vào tháng 5/2015, 90% thuế suất đối với những mặt hàng này giảm về 0%. Đây được xem là cơ hội để hàng Việt Nam có mặt nhiều hơn ở đất nước 175 triệu dân, GDP 2.500 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người lên tới 18.600 USD vào năm 2013.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Xuất khẩu thủy hải sản Thuận Phước cho biết, nhiều năm qua, hàng thủy sản vào Nga gặp khó khăn do vướng mắc thuế, thủ tục hải quan. Tuy nhiên, khi thuế suất giảm về 0% và hàng rào thuế quan được tháo gỡ, kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang Nga dự kiến sẽ tăng. Ông cho biết, châu Âu là thị trường tiềm năng của ngành thủy hải sản. Khi FTA được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn ở thị trường này. “Một số doanh nghiệp trong danh sách 20 doanh nghiệp thủy hải sản lớn nhất Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư kho lạnh, nhà máy chế biến để đón đầu làn sóng FTA diễn ra trong thời gian tới”, lãnh đạo này chia sẻ.

Công ty Incentra cam kết hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nhà phân phối, doanh nghiệp nhập khẩu của Nga để tiêu thụ hàng hóa….

Một số báo cáo, nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra, người Nga đang có xu hướng tiêu dùng hàng cao cấp.

Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, thị phần tại Nga của hàng dệt may, da giày Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, dù năm 2013 các nhãn hiệu đã tăng trưởng 17% giá trị lưu động so với các năm trước. Đây là những mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên lại không phải là mặt hàng mang lại lợi nhuận do phần lớn doanh nghiệp chỉ là đơn vị gia công theo đơn đặt hàng. Những mặt hàng tiềm năng như đồ gỗ mỹ nghệ, nông sản… có cơ hội vào thị trường Nga song cần được tập kết, tổ chức có hệ thống tại một đầu mối cố định.

Theo đánh giá của các cơ quan xúc tiến thương mại, Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva sẽ là nơi để doanh nghiệp Việt yên tâm đưa hàng hóa tới buôn bán, giao dịch với đối tác, lập văn phòng đại diện… Không chỉ đảm bảo tính pháp lý cho doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty Incentra (chủ đầu tư Tổ hợp) còn cam kết hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nhà phân phối, doanh nghiệp nhập khẩu của Nga để tiêu thụ hàng hóa…

Để giới thiệu và mở rộng chủng loại hàng Việt Nam tại Nga, tháng 11-12 năm nay, Hội chợ bán hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015 sẽ được tổ chức tại Nga. Với Ban tổ chức hùng hậu gồm Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga, UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM, BIDV, Incentra và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Liên bang Nga, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng ở xứ sở bạch dương.

Hội chợ bán hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015 là cơ hội để các sản phẩm Việt được giới thiệu đến với người tiêu dùng Nga

Đại diện một doanh nghiệp tham gia, ông Trần Văn Hùng, cho biết, ông rất hồi hộp chờ đến hội chợ lần này. Theo ông, các ưu đãi đến từ đơn vị tổ chức tương đối hấp dẫn, chẳng hạn miễn phí 100% thuê gian hàng, hỗ trợ toàn bộ việc truyền thông, quảng cáo tại Nga, chi phí đi lại theo chương trình khảo sát thị trường. Việc hỗ trợ 50% chi phí vé máy bay, lưu trú tại khách sạn Hà Nội – Mátxcơva cũng được chủ doanh nghiệp này đánh giá cao. “Song đáng quý nhất là doanh nghiệp chúng tôi sẽ được tư vấn về xuất nhập khẩu hàng hóa vào Liên bang Nga cũng như xây dựng, phát triển thương hiệu, mạng lưới tiêu thụ, tiếp xúc, tìm kiếm đối tác”, ông Hùng chia sẻ.

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, FTA sẽ là cơ hội để Việt Nam mở cửa hàng hóa với các nước. Ông cho biết “thời điểm này, hội nhập là rất cần thiết tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp Việt là năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh trong khi phải đối đầu với các đối thủ mạnh”, ông Thiên nói về những thách thức.

Tin liên quan
Tin khác