Theo các diễn giả, để DN Việt đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, các nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề, như hiểu biết pháp luật của nước sở tại, tìm hiểu kỹ môi trường kinh doanh của nước sở tại, đánh giá được cơ hội kinh doanh và nguồn lao động tại chỗ…
Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần xác định rõ mục tiêu kinh doanh, vận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia và tận dụng tốt các nguồn hỗ trợ khác…
Trong thời gian tới, định hướng đầu tư ra nước ngoài sẽ ưu tiên đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên…
| ||
Trong đó, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực khai thác, thăm dò dầu khí và khoáng sản khác, lĩnh vực trồng cây công nghiệp và các dự án đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu….
Ở một góc độ khác, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ đề xuất: Nhà nước cần định hướng thị trường mục tiêu cho doanh nghiệp, chẳng hạn như các thị trường truyền thống ( Lào, Campuchia, Myanmar, Liên bang Nga…).
Ngoài ra, DN có thể xem xét việc từng bước đầu tư và mở rộng sang thị trường mới, như khu vực Mỹ La tinh, Đông Âu, châu Phi…
Ông Dũng cũng cho biết, qua tiếp xúc, các doanh nghiệp đề xuất một số vấn đề, như cần cung cấp đầy đủ thông tin cho DN về thị trường mục tiêu, ngành nghề nên đầu tư; tăng cường vai trò của các lãnh sự trong việc cung cấp thông tin, thị trường, hỗ trợ DN tại nước ngoài; mở chi nhánh ngân hàng giao dịch tại các nước có nhiều DA đầu tư để tạo điều kiện giao dịch cho các DN…
Về chính sách tín dụng, cấp vốn…đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, đại diện Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết, chính sách tài trợ thương mại xuyên biên giới đang được ngân hàng này áp dụng với thế mạnh là hệ thống các chi nhánh rộng khắp tại nhiều quốc gia ở châu Á, gồm nhiều dịch vụ và các sản phẩm đa dạng về tài chính, tín dụng.
Với những DN của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, UOB sẵn sàng gặp gỡ, tư vấn cụ thể cho từng dự án.
“UOB có riêng một trung tâm tư vấn cho các DN có ý định đầu tư vào Singapore và các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á để tạo điều kiện thuận lợi nhất về tài chính, nguồn vốn, giải ngân… cho các nhà đầu tư”, ông Sai Chao Yong, Trợ lý Phó chủ tịch UOB Singapore khẳng định.
Số liệu đầu tư ra nước ngoài tính đến hết năm 2012: * Việt Nam có 712 dự án đầu tư tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký ra nước ngoài là 13,5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư thực hiện là 4,4 tỷ USD. * Riêng năm 2012 có 84 dự án được cấp phép, với tổng vốn đăng ký 1,41 tỷ USD; 9 dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 132,25 triệu USD. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)
|
Hồng Sơn