Đầu tư
Dồn vốn sang thị trường Myanmar
Hà Nguyễn - 24/04/2013 14:25
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài, đang đặt kỳ vọng vào thị trường Myanmar đầy tiềm năng.
Myanmar đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á

Kỳ vọng lớn

Phải tới ngày 3/6/2013, theo như thông báo mới đây của Chính phủ Myanmar, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) mới hết hạn nộp hồ sơ đấu thầu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông tại quốc gia này, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Duy Thọ, Tổng giám đốc Viettel Global (Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel), tỏ ra khá tự tin với tiềm lực và khả năng cạnh tranh của Viettel trước ngay cả các đối thủ sừng sỏ khác.

Trong cuộc đua để có được “tấm vé” vào thị trường viễn thông Myanmar, Viettel sẽ phải cạnh tranh với 11 đối thủ khác, trong đó có liên minh hai nhà mạng lớn nhất thế giới là China Mobile và Vodafone Group; Singapore Telecommunications; rồi MTN Dubai… Chiến thắng cuối cùng phải tới ngày 27/6 mới được công bố chính thức, song Viettel, trong hành trình mở rộng vùng phủ sóng ra nước ngoài, cũng đã đặt quyết tâm và kỳ vọng rất lớn vào thị trường Myanmar.

Trong khi đó, thông tin được ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Land công bố mới đây cho thấy, dự kiến đầu tháng 6 tới, Hoàng Anh Gia Lai sẽ khởi công xây dựng Dự án Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thương mại và Khách sạn, vốn đầu tư 300 triệu USD, tại Myanmar.

Còn FPT, theo kế hoạch, cũng sẽ mở văn phòng đại diện tại Myanmar vào tháng 6 tới, sau đó sẽ thành lập công ty. “Myanmar chính là thị trường ở bên ngoài trọng tâm của FPT trong thời gian tới”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc FPT chia sẻ.

Thực ra, không chỉ Viettel, FPT hay Hoàng Anh Gia Lai, mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, như Simco Sông Đà, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí, C.T Group…, thời gian gần đây, nhất là sau khi Myanmar “mở cửa”, đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn đối với thị trường này.

Cạnh tranh trên thị trường Myanmar đã nóng, bởi chỉ tính từ năm 2011 tới nay, Myanmar đã thu hút thêm được gần 6 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào 55 dự án mới. Và Myanmar đang nổi lên như là một trong những điểm đến đầu tư khá cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng được cho là thị trường có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai phá, không chỉ trong thương mại, mà còn là đầu tư.

Số liệu thống kê được ông Trần Bắc Bà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM), công bố mới đây cho thấy, đến thời điểm này, đã có 11 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar, trong đó có 4 dự án đang triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 460 triệu USD. Xu hướng này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và AVIM dự báo, ngay trong năm 2013 này, mức đầu tư của Việt Nam sang sẽ Myanmar đạt trên 500 triệu USD và đến năm 2015 đạt tối thiểu 1 tỷ USD.

Cửa đã mở

“Rất nhiều chính sách đầu tư mới đã được Chính phủ Myanmar ban hành trong thời gian gần đây, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường”, ông Chu Công Phùng, người vừa kết thúc nhiệm kỳ 4 năm làm Đại sứ tại Myanmar cho biết.

Trước đây, Myanmar giới hạn đầu tư nước ngoài, nhưng nay đã mở rộng ra mọi lĩnh vực, chỉ trừ một vài lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng. Thời hạn thuê đất của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nâng từ 30 năm trước đây lên 50 năm; thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 3 lên 5 năm… Myanmar không khống chế tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài, cũng đã cho phép cả ngân hàng tư nhân “giúp” nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận sau thuế ra khỏi quốc gia này…

“Sân chơi và luật chơi ở Myanmar là bình đẳng với tất cả doanh nghiệp. Không nên có suy nghĩ thiên lệch rằng, thị trường Myanmar tuy tiềm năng, nhưng rất khó thâm nhập, vì khoảng cách địa lý xa, luật đầu tư chưa rõ ràng, hay công cuộc cải cách và mở cửa của Myanmar chứa đựng nhiều rủi ro. Cũng không nên lạc quan quá khi cho rằng, thị trường Myanmar rất hấp dẫn cần nhanh chóng thâm nhập. Muốn đánh giá thị trường Myanmar một cách thật khách quan cần xem xét tổng thể những yếu tố thuận lợi và không thuận lợi, những cái bất biến và những cái khả biến”, ông Phùng nói.

Theo người có nhiều năm kinh nghiệm đối với thị trường này, thì nông nghiệp, thủy sản, dầu khí, cơ khí, điện tử, dược phẩm, dệt may, giày dép, đồ nhựa, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng... là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar có nhiều tiềm năng để hợp tác đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, cũng theo ông Phùng, cũng không nên quá lạc quan cho rằng, bất cứ lĩnh vực kinh tế nào của Myanmar cũng hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp nước ngoài.

Liên quan tới việc đầu tư vào Myanmar, ông Trần Bắc Hà, khi có dịp diện kiến Phó tổng thống Myanmar Nyan Tun hồi cuối tháng 3 vừa qua, đã thẳng thắn kiến nghị Chính phủ Myanmar xem xét thực hiện cơ chế miễn thị thực cho các tổ chức và cá nhân Việt Nam sang Myanmar đầu tư nhằm tạo thuận lợi giao thương, hợp tác đầu tư hai nước, cũng như sớm có quy định hướng dẫn đồng bộ về thực hiện Luật Đầu tư mới, để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng hiểu, nắm rõ và triển khai thực hiện.

Tin liên quan
Tin khác