Nhiều lô xoài Cao Lãnh khi xuất sang Trung Quốc bị mạo danh, mượn tên, ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm. |
Là một trong những doanh nghiệp bị “mượn” mã số xuất khẩu, bà Đinh Kim Nhung, Phó giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp cho biết, công ty bà là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được cấp mã số là nhà đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc. Chưa kịp mừng thì trong một chuyến công tác ra Bắc bà phát hiện mã số của mình được sử dụng vô tội vạ trên hàng loạt lô hàng xuất khẩu.
Khi bà Nhung tìm gặp cơ sở đóng gói để khiếu nại thì chỉ nhận được câu trả lời tỉnh bơ: "Phía thương lái Trung Quốc kêu in mã số nhà đóng gói nào thì in cái đó". Chưa hết bức xúc, gần đây bà nhận được đơn đặt hàng từ phía thương lái Trung Quốc và được "cho" mã số của nhà đóng gói để đóng lên lô hàng. Ngược đời là mã số được phía đối tác "cho xài" chính là mã số của bà.
Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.
Trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói này có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sở đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm.
Do trở thành mã số "công cộng" cho quá nhiều lô xoài, hiện nay mã số của bà Nhung chính thức "biến mất" khỏi danh sách được công nhận.
Ngoài mã số nhà máy đóng gói của bà Nhung bị loại khỏi danh sách cập nhật trên trang web của Cục Bảo vệ thực vật thì hai mã số vùng trồng của HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) cũng bị loại, trở thành "nạn nhân" mới của việc bị "xài chùa" mã số.
Thông tin về vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, ngay khi nhận được thông tin về sự việc này, Cục Bảo vệ thực vật đã lập tức thông báo cho các đơn vị kiểm dịch cửa khẩu và địa phương để thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan và tiến hành điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục theo quy định.
Trong quá trình điều tra, Đồng Tháp thông báo cho Cục Bảo vệ thực vật về tình trạng các doanh nghiệp sử dùng không đúng mã số, "mượn" mã số của nhau để tiến hành xuất khẩu không chỉ gây ảnh hưởng đế uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong vụ xuất khẩu tới đây.
Theo ông Hiếu, trước mắt, việc này chưa gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu xoài do mùa vụ tại phía Nam đã kết thúc, để tránh lặp lại các vi phạm tương tự cũng như tăng cường các biện pháp quản lý để không gây thiệt hại trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương nói chung và Đồng Tháp nói riêng để thảo luận cụ thể hơn về việc phân công trách nhiệm, thông nhất về cách thức triển khải thực hiện và tăng cường công tác quản lý vùng trồng không chỉ với sản phẩm xoài.
"Hiện, Trung Quốc áp dụng quy định kiểm soát nhập khẩu thông qua mã số vùng trồng nên các địa phương cần có sự phối hợp với ngành chức năng quản lý hiệu quả, có biện pháp giám sát chặt chẽ", ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân và địa phương xuất khẩu về các quy định của thị trường nhập khẩu. Yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng và kế hoạch tăng cường công tác giám sát đối với các mã đã cấp.
Trên cơ sở làm việc với các tỉnh, Cục sẽ có kế hoạch phối hợp thực hiện giám sát cùng với địa phương. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Cục Bảo vệ thực vật sẽ chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Để ngành trái cây Việt tránh rơi vào thế bị động khi giao thương với thị trường Trung Quốc, đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, việc phải làm là tiếp tục rà soát những diện tích đã cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp chứng nhận VietGAP.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách cho bà con nông dân liên kết thành từng nhóm, tổ, hợp tác xã để sản xuất hàng hóa không chỉ bán cho Trung Quốc mà còn bán cho các nước phát triển...