Doanh nghiệp
Doanh nghiệp xây dựng dân dụng: Liên kết giành “miếng bánh” đầu tư công
Anh Hoa - 06/08/2023 09:29
Khi đối diện với những “nỗi đau” chồng chất, một số nhà thầu xây dựng dân dụng buộc phải liên kết với nhau để đấu thầu dự án đầu tư công “khủng”. Song giành được “miếng bánh” này không dễ.
Năm nay được coi là năm trọng điểm của đầu tư công với tổng vốn dự kiến trên 700.000 tỷ đồng.          Ảnh: H.A

Kẻ ăn không hết

2023 được coi là năm trọng điểm của đầu tư công với tổng vốn dự kiến trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó, các dự án được ưu tiên trong giai đoạn tới gồm sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, cùng một số các tuyến cao tốc, cửa khẩu...

Làn sóng đầu tư công giải ngân mạnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nhóm ngành. Trong đó, nhóm doanh nghiệp xây dựng sẽ là những công ty trực tiếp hưởng lợi. Thậm chí, giới phân tích cho rằng, “ăn nên làm ra” và doanh thu khá xông xênh trong giai đoạn khó khăn nhất và hiện vẫn đang “sống khỏe” với việc trúng thầu nhiều dự án lớn chính là những doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Trong đó, có thể nhắc đến những cái tên như Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)…

Cụ thể, CC1 là doanh nghiệp không còn xa lạ trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng, dân dụng, công nghiệp và năng lượng. Thời gian qua, CC1 đã liên tiếp trúng thầu hàng loạt dự án trọng điểm, từ nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đến các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong).

Đối mặt với rất nhiều áp lực, cạnh tranh gay gắt vì thiếu việc làm khiến không ít doanh nghiệp xây dựng dân dụng nằm trong tốp đầu phải tính tới việc mở rộng lĩnh vực hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh.

VNDirect Research mới đây dẫn số liệu từ Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trong số 25 gói thầu đầu tiên thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II, CC1 tham gia tới 4 liên danh, với tổng giá trị các gói thầu tham gia thực hiện cao nhất (19.430 tỷ đồng).

Không thua kém, Vinaconex cũng trúng nhiều gói thầu dự án đầu tư công đáng nể.

Vinaconex là một trong những nhà thầu có năng lực thi công tốt ở cả lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp và dân dụng. Các dự án do Vinaconex đảm nhiệm thi công đều rất lớn, như Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn I và II); Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn I; Dự án Cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay hiện hữu, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh…

Riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam, Vinaconex là một trong những đơn vị tham gia nhiều gói thầu nhất trong giai đoạn I, với 5 gói. Đầu năm nay, Vinaconex đã giành thêm 3 gói thầu lớn tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II. Theo ước tính của VNDirect, tổng giá trị các hợp đồng đã ký của Vinaconex tại dự án cao tốc Bắc - Nam cả 2 giai đoạn lên tới 6.419 tỷ đồng, gấp 1,8 lần doanh thu bình quân mảng xây lắp công ty trong 2 năm gần nhất.

Đáng lưu ý, Vinaconex và CC1 cũng là 2 doanh nghiệp nằm trong liên danh VIETUR, dẫn đầu là IC ISTAS (thành viên của IC Holding Thổ Nhĩ Kỳ), vừa trở thành đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để thi công Gói thầu 5.10 có trị giá 35.000 tỷ đồng - Thi công xây dựng nhà ga hành khách của sân bay Long Thành giai đoạn I.

Liên danh VIETUR còn có sự tham gia của các nhà thầu trong nước khác, như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng

Ricons, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng SOL E&C, Công ty cổ phần Kết cấu ATAD, Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty cổ phần Hawee.

Trước đó, trong dự án thành phần 3 của dự án sân bay Long Thành giai đoạn I, Vinaconex đã tham gia 3/4 gói thầu. Trong đó, đáng chú ý là Gói 3.4 - Thi công san nền và thoát nước, với tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, cùng các nhà thầu khác là Trường Sơn, Cienco8, Phúc Lộc.

Ngoài ra, theo một số thông tin, Vinaconex cũng đang nộp thầu thêm nhiều hạng mục khác ở dự án trọng điểm quốc gia này, như đường cất hạ cánh với giá trị gói thầu 6.721 tỷ đồng và các hạng mục như sân đỗ, đài điều khiển không lưu cao…

Ngoài lĩnh vực xây dựng hạ tầng vốn đang khá lớn, các doanh nghiệp đều muốn được phân chia “miếng bánh” xây dựng công trình dân dụng khi tham gia đấu thầu nhà ga hành khách quốc tế sân bay Long Thành. Đây vốn là phân khúc vốn dành cho nhà thầu dân dụng, đòi hỏi tư duy tổ chức thi công khác biệt hoàn toàn với lĩnh vực hạ tầng.

Người lần chẳng ra

Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn hiện nay, việc các nhà thầu trúng được các gói thầu lớn vừa giúp tạo việc làm, nguồn thu tài chính, vừa nâng cao năng lực khi trực tiếp xây dựng các công trình tầm cỡ quốc tế như sân bay Long Thành.

Theo tính toán của Nhóm phân tích Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tổng lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu tham gia Gói 5.10 khoảng 525 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Vinaconex (866 tỷ đồng).

Dẫu vậy, ở chiều ngược lại, những nhà thầu dân dụng - lĩnh vực vốn sử dụng rất nhiều nhân công so với nhà thầu hạ tầng, tiêu biểu là các nhà thầu phía Nam, lại đang “đói việc”. Đặc biệt, kể từ sau đại dịch Covid-19 và các vụ liên quan đến khủng hoảng trái phiếu khiến nhiều công trình nhà ở đô thị và du lịch bị đình trệ, hàng chục ngàn công nhân khu vực phía Nam phải bỏ về quê chờ việc.

Đối mặt với rất nhiều áp lực, cạnh tranh gay gắt vì thiếu việc làm khiến không ít doanh nghiệp xây dựng dân dụng nằm trong tốp đầu phải tính tới việc mở rộng lĩnh vực hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh, như xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng công nghiệp, thậm chí tham gia sâu hơn vào các dự án đầu tư công.

Điển hình, 7 doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyên biệt về xây dựng dân dụng như

Coteccons, Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình đã liên kết, lập thành liên danh với tên gọi Hoa Lư để tham gia đấu thầu dự án nhà ga sân bay quốc tế Long Thành.

Đại diện một doanh nghiệp xây dựng trong nhóm này cho rằng, trúng thầu dự án nhà ga sân bay quốc tế Long Thành sẽ là “chiếc phao” cho một loạt doanh nghiệp xây dựng ở khu vực phía Nam. Đáng nói, đây là lĩnh vực hoàn toàn phù hợp với năng lực chuyên môn xây dựng dân dụng đặc thù của các doanh nghiệp này. Việc này có thể mang lại việc làm cho ít nhất 300 kỹ sư và hơn 8.500 công nhân ở khu vực phía Nam trong 3 năm.

“Trúng thầu dự án này cũng tạo bàn đạp giúp các nhà thầu xây dựng dân dụng có cơ hội ổn định hơn, tạo việc làm và ngăn chặn làn sóng thất nghiệp tràn lan của công nhân ngành xây dựng”, lãnh đạo doanh nghiệp trong nhóm Hoa Lư chia sẻ.

Những kỳ vọng được tham gia thi công nhà ga sân bay Long Thành của các doanh nghiệp trong nhóm Hoa Lư cũng dễ hiểu khi nhìn vào kết quả kinh doanh khá “thê thảm” của họ trong thời gian qua do ảnh hưởng bởi tình trạng chung của ngành xây dựng.

Thời điểm này, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng phần nào bớt ảm đạm hơn, thậm chí có tên tuổi bứt tốc.

Sau khi báo lỗ gần 2.600 tỷ đồng trong năm 2022 và hơn 440 tỷ đồng trong quý I/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đã báo lãi trở lại trong quý II/2023.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hòa Bình đạt 546 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) đạt gần 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so cùng kỳ; lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.

Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã HTN) có kết quả tích cực. Tính chung nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 31,4 tỷ đồng, hoàn thành 62,7% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings lại có kết quả kinh doanh quý II/2023 lao dốc, khi lợi nhuận sau thuế tại công ty mẹ chỉ đạt 2,53 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty này có doanh thu thuần đạt 737 tỷ đồng, giảm 4%; lợi nhuận sau thuế đạt 2,98 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí, một doanh nghiệp xây dựng có bề dày lịch sử như Công ty cổ phần Licogi 166 đang xin tạm ngừng kinh doanh 1 năm (từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2024), do không thể triển khai hoạt động.

Theo SSI Research, có nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang có doanh thu tăng trưởng bắt đầu từ năm 2021-2022. Doanh thu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2025 theo chu kỳ đầu tư công. Tuy nhiên, với đặc thù ngành xây dựng hạ tầng là biên lợi nhuận mỏng và các khoản phải thu cao, đa số doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao và chịu áp lực chi phí tài chính tăng trong môi trường lãi suất cao. Điều này dẫn tới mức độ tăng trưởng lợi nhuận theo doanh thu chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn.

Tin liên quan
Tin khác