Trong tuần đầu của tháng 6, các nhà lãnh đạo cấp cao trên toàn thế giới đã tập trung tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á. Trong lúc đó, các công ty đa quốc gia đang xếp hàng chờ để tiếp cận những cơ hội thương mại lớn tại quốc gia này.
Tại Standard Chartered, chúng tôi đang nhận thấy một mối quan tâm sâu sắc và mạnh mẽ của các khách hàng trên toàn thế giới, ở mọi lĩnh vực kinh doanh, dành cho thị trường Myanmar. Với việc Liên minh châu Âu quyết định dỡ bỏ những biện pháp cấm vận phi quân sự cuối cùng đối với Myanmar trong tháng 4, các doanh nghiệp châu Âu trở thành những đầu tầu của xu thế vươn ra ngoài tìm kiếm sự tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu trong nước vẫn còn yếu ớt.
Các công ty đa quốc gia đang bắt đầu chi tiền vào hoạt động tại Myanmar một cách thận trọng. Nhiều doanh nghiệp đã mở văn phòng đại diện hay chi nhánh tại quốc gia này sau khi đã nhận ra vấn đề: với quá trình cải cách diễn ra một cách nhanh chóng như hiện nay, bạn cần phải có nguồn nhân lực tại chỗ để nắm bắt cơ hội một khi nó mở ra trước mắt.
| ||
Ông Jaspal Bindra, Tổng Giám đốc khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Các công ty đa quốc gia từ lâu đã công nhận tiềm năng kinh tế của quốc gia rộng lớn, với dân số hơn 60 triệu người này. Myanmar từng đứng số 1 thế giới về xuất khẩu gạo, là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như dầu mỏ, khí gas và gỗ. Quốc gia này nằm ở vị trí chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc và hiện là thành viên của khối thương mại tăng trưởng nhanh ASEAN. Myanmar sẽ đóng vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm tới.
Thường được coi là một thị trường mới nổi và rộng lớn tại Châu Á, trong những năm qua, Myanmar đã thực hiện quá trình mở cửa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với kì vọng bởi Chính phủ quốc gia này đã đặt cải cách kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm trong việc tạo ra công ăn việc làm và nâng cao thu nhập. Quyết định thông qua luật đầu tư nước ngoài mới vào cuối năm 2012 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh thân thiện hơn với nhà đầu tư.
Mùa xuân năm nay, Myanmar đã có một bước tiến lớn khác với việc mời các tập đoàn viễn thông trên toàn thế giới tham gia đấu thầu để nhận giấy phép kinh doanh điện thoại trên cả nước và để lại ấn tượng tốt đối với các đơn vị tham gia về tính minh bạch trong quá trình triển khai.
Với việc không đến 10% dân số sử dụng được điện thoại di động như hiện nay, Myanmar chính là thị trường điện thoại di động tiềm năng nhất trên thế giới. Một bước nhảy vọt trong hoạt động kết nối sẽ gia tăng tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia này, điều mà chúng ta đã chứng kiến tại nhiều thị trường khác có sự hiện diện của Standard Chartered.
Tại Myanmar, người ta đang thành lập 3 khu kinh tế đặc biệt lớn (SEZs), bao gồm Dawei với kế hoạch phát triển thành một cảng biển nước sâu lớn và Thilawa, với một khu công nghiệp quy mô lớn gần Yangon, một thời từng nằm trong danh sách những thành phố giàu nhất Châu Á. Với sự hỗ trợ từ Thái Lan và Nhật Bản, các khu kinh tế đặc biệt này cam kết sẽ thay đổi tương lai của nền kinh tế, thu hút được hoạt động thương mại và đầu tư đang tăng trưởng nhanh tại khu vực Châu Á.
| ||
Những cao ốc và phương tiện hiện đại đang ngày càng nhiều ở Myanmar (Ảnh: Hà Anh) |
Bất cứ ai đến Myanmar đều có thể nhận thấy rõ một vài thay đổi rõ rệt. Các khách sạn, mới chỉ cách đây một năm còn trống phòng giờ đây đang phải hoạt động hết công suất, gấp bốn đến năm lần so với trước đây khi tình hình du lịch tại quốc gia này đang bắt đầu khởi sắc.
Trước đây ATM còn hiếm, nhưng nhờ có sự hợp tác với 2 công ty cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, bạn có thể yên tâm rút tiền kyat của Myanmar từ hàng tá cây ATM tại các thành phố lớn bằng thẻ Visa hay MasterCard.
Những bước phát triển trên đã khẳng định sự sẵn sàng của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư và học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để mở cửa nền kinh tế Myanmar. Một ví dụ tiêu biểu khác chính là một công trình xây dựng hệ thống tài chính hiện đại đang ở giai đoạn thi công, nơi Myanmar đang tìm kiếm sự giúp đỡ và tư vấn của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Standard Chartered.
Rõ ràng, theo như những gì mà nhiều khách hàng của chúng tôi chia sẻ, kinh doanh tại Myanmar vẫn là một điều gì đó rất khó khăn. Hệ thống tài chính đang ở giai đoạn phát triển sơ khai. Rất ít người có tài khoản ngân hàng và cơ sở vật chất cho hoạt động chuyển khoản bằng điện báo còn rất khiêm tốn. Tốc độ của quá trình thay đổi về luật & các quy định pháp lý tăng thêm sự bất ổn cho những thử thách trước mắt, giống như ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ.
Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Myanmar vẫn còn có hiệu lực, bao gồm một số lĩnh vực trọng tâm như các dịch vụ tài chính. Trong bối cảnh đồng đôla Mỹ vẫn thống trị trong những giao dịch lớn trên toàn cầu, các nhà đầu tư tiềm năng từ Mỹ và các quốc gia khác cũng như các doanh nghiệp sẽ còn có lưỡng lự trong việc thực thi các cam kết, cho tới khi Mỹ xoa dịu mọi sự bất an bằng việc chấm dứt các biện pháp cấm vận, như Liên minh châu Âu đã từng làm.
Quá trình giải quyết hàng loạt thách thức về chính trị, kinh tế và xã hội tại Myanma sẽ mất nhiều thời gian sau khi quốc gia này đã trải qua 5 thập kỷ bị cô lập, tuy nhiên kì vọng mọi thứ được giải quyết ngay lập tức là điều bất hợp lý và cũng không được mong đợi.
Quá trình cải cách dân chủ đòi hỏi thời gian để giải quyết và điều quan trọng là quốc gia này cần phải triển khai quá trình cải cách đó một cách đúng đắn. Một điều quan trọng khác là hoạt động đầu tư nước ngoài vào Myanmar phải diễn ra một cách bền vững, không chỉ đơn thuần vì sự thay đổi mà còn vì một xã hội tốt đẹp hơn, như Aung San Suu Kyi đã kêu gọi tại Diễn đàn 100 Nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 12 vừa qua tại Yangon.
Một sự thật khá hiển nhiên – Myanmar đang không hề quay đầu lại. Và không một ai nghi ngờ về tiềm năng phát triển to lớn đó khi quốc gia này đang ngày một đuổi kịp các nước láng giềng trong khu vực ASEAN.
Tổng Sản phẩm Quốc nội của Myanmar đã tăng trưởng 6,5% trong năm tài khoá gần đây nhất và có thể đạt 6,75% vào năm 2013, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các số liệu chính thức của Myanmar cho thấy giá trị dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 5 lần so với cùng kỳ, lên khoảng hơn 1,4 tỉ USD.
Chúng tôi tin tưởng rằng đà tăng này sẽ tiếp tục đi lên với hoạt động đầu tư được đa dạng hoá từ lĩnh vực năng lượng đến sản xuất, du lịch, nông nghiệp và ngân hàng – trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang đặt niềm tin trọn vẹn vào triển vọng tương sáng của Myanmar.
(*) Tổng Giám đốc khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered
Jaspal Bindra (*)