Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 18,1%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,8%). |
Động lực từ xuất siêu
Mức xuất siêu 9,1 tỷ USD sau chặng đường 11 tháng của năm 2019 là con số kỷ lục trong hoạt động thương mại của nước ta những năm gần đây. Điều đáng nói, tỷ lệ đóng góp của khối doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện đáng kể, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 18,1%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,8%).
“Trong bối cảnh giảm sút tổng cầu của kinh tế thế giới, ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, hoạt động thương mại và đầu tư trên thế giới suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan và sự cải thiện được nhìn thấy rõ ở khối doanh nghiệp nội”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá.
Da giày, túi xách - ngành hàng xuất khẩu dự kiến mang về 21,5 tỷ USD trong năm 2019 đã cầm chắc hoàn thành chỉ tiêu. Với kim ngạch xuất khẩu trung bình 1,67 tỷ USD/tháng của giày dép và 300 triệu USD/tháng của túi xách, ô dù, ngành da giày, túi xách dự kiến về đích năm 2019 với kim ngạch 22 tỷ USD, vượt mục tiêu 500 triệu USD.
Không riêng ngành da giày, nhóm doanh nghiệp nội ngành sản xuất, xuất khẩu đá quý, kim loại cũng ghi điểm khi kim ngạch xuất khẩu đạt 2,05 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 151% về lượng và 375% về trị giá so với cùng kỳ.
Động thái xuất khẩu tốt, tăng xuất siêu được xem là rất đáng chú ý khi những dự báo về tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 được đưa ra từ đầu năm chỉ ở mức 8 - 10%, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết và chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Chuẩn bị cho những kế hoạch mới
Năm 2019 sắp qua, ngoài việc lo hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, các doanh nghiệp lớn đã sớm có sự chuẩn bị cho những kế hoạch của năm 2020 và dài hơi hơn.
Tập đoàn An Phát Holdings, nhà xuất khẩu bao bì màng mỏng lớn nhất cả nước vừa bắt tay Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) để mở đường xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn. Hai bên cũng thỏa thuận tăng cường hợp tác cả trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn tại Việt Nam…
Cụ thể, về mảng nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, Itochu sẽ hỗ trợ công tác bán hàng và tiêu thụ tại Hàn Quốc, Việt Nam cùng nhiều thị trường khác, đồng thời, sẽ cung cấp nguyên liệu thô cho mảng sản xuất này của An Phát Holdings.
Ông Nguyễn Lê Trung, Phó chủ tịch An Phát Holdings kỳ vọng, việc ký kết hợp tác chiến lược này sẽ tạo đà để mở ra nhiều cơ hội hơn cho hai bên. “Với sự hỗ trợ của Itochu, tôi hy vọng, An Phát Holdings sẽ có thêm nhiều khách hàng trên toàn thế giới, đặc biệt, thị trường của dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn sẽ mở rộng”, ông Trung nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành sữa cũng “thừa thắng xông lên”, tận dụng việc Trung Quốc mở cửa thị trường sữa để “tấn công” thị trường có quy mô tiêu dùng 60 tỷ USD/năm, chi nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm
Thời gian qua, các “ông lớn” trong ngành như Vinamlik, TH đều đầu tư rất lớn để chuẩn bị cho giai đoạn chinh phục thị trường tỷ dân này. Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc kinh doanh quốc tế Vinamilk cho biết, chọn mô hình phân phối tại siêu thị Hợp Mã (thuộc Tập đoàn Alibaba, Trung Quốc), Vinamilk đã đầu tư chi phí và nhân lực nhiều hơn so với việc “mua đứt, bán đoạn” cho một đầu mối và để họ tự kinh doanh.
“Bù lại, chúng tôi sẽ kiểm soát được chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, đảm bảo vị ngon của sản phẩm được giữ nguyên vẹn như khi mới sản xuất hoặc đang bán tại Việt Nam”, ông Hiếu chia sẻ.
Cùng với việc chuẩn bị tốt về tài chính và năng lực sản xuất, việc chủ động được nguồn cung nguyên liệu, có chiến lược kinh doanh, tiếp thị phù hợp với văn hóa của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tạo được chỗ đứng vững chắc cho Vinamilk tại thị trường này.
Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh hoặc có triển vọng sẽ tạo thêm những bước tiến cho doanh nghiệp Việt trên hành trình cải thiện năng lực sản xuất và rút dần khoảng cách trong tỷ trọng xuất khẩu với khối doanh nghiệp ngoại.
Nhiều năm qua, khối doanh nghiệp nội trong ngành da giày, túi xách teo tóp, tỷ trọng đóng góp cho xuất khẩu có thời điểm tụt xuống 18%, nhưng 2 năm trở lại đây đã có sự cải thiện. 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu da giày, túi xách đạt 20 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn TBS Group, tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp da giày trong nước rơi vào những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có mức chi đầu tư cao cho năng lực sản xuất và công nghệ, ngày càng được các đối tác nước ngoài tín nhiệm.