Doanh nhân Đặng Hoàng Minh, đồng sáng lập Cooky |
Đỉnh cao để nắm bắt thời cơ
Mùa xuân năm 2022, nền tảng TikTok bắt tay cùng Virtual Dining Concepts và Grubhub ra mắt tính năng TikTok Kitchen. Điểm đặc biệt của dự án này là mang những món ăn đang “gây bão” trên nền tảng TikTok đến gần hơn với người dùng. Thực đơn của các nhà hàng sẽ được cập nhật với những món ăn hot nhất trên nền tảng, người dùng có thể tham khảo và đặt hàng trực tiếp tại ứng dụng. TikTok kỳ vọng đạt 1.000 nhà hàng vào thời điểm cuối năm 2022.
Mô hình TikTok Kitchen khá giống với Mr. Beast Burger’s restaurant, được thành lập với sự bắt tay của siêu sao YouTube Jimmy Donaldson, với thương hiệu chuyên về nhà hàng ảo Virtual Dining Concepts. Mô hình tạo tiếng vang tại thị trường Mỹ với hơn 1 triệu chiếc bánh kẹp và đang có tham vọng mở rộng nhanh chóng sang các khu vực khác. Khi bắt tay với TikTok, Virtual Dining Concepts cũng kỳ vọng có thể tận dụng được chuyên môn của mình để mở rộng sang một lĩnh vực hoàn toàn mới.
TikTok được coi là đối thủ lớn nhất thời điểm này của Cooky. Một mô hình tái khởi nghiệp của Đặng Hoàng Minh và Nguyễn Thành Đại sau 5 năm bán Foody (ứng dụng Now) cho SEA Limited, đặt trụ sở tại Singapore, với mức giá “không tưởng”. Hiện ứng dụng đã đổi tên thành ShopeeFood.
Theo Đặng Hoàng Minh, đối với một công ty hay start-up, điều đầu tiên là kinh doanh đúng món thị trường đang cần, thành thật và sử dụng tiền quỹ đầu tư hợp lý. Phải nghiên cứu mô hình tạo trải nghiệm mới, thay đổi thói quen người dùng… Đặc biệt, đội ngũ có nhiều người làm hơn nói. Hiện Cooky đang có nhiều cộng sự làm rất giỏi dù lý lịch không phải dạng cao cấp. Họ chấp nhận làm tiểu tiết nhỏ nhất.
Theo Đặng Hoàng Minh, một thương hiệu địa phương vẫn có thể làm tốt hơn các thương hiệu thế giới. Cooky có thể không phải công ty thiên về công nghệ như Foody, nhưng về đồ ăn phải luôn tốt nhất.
“Tôi nghĩ, điều quan trọng với Cooky là sản xuất đồ ăn ngon, chất lượng… Lợi thế của Cooky là có thể mở nhà máy sản xuất và nguồn nguyên liệu với món ăn địa phương chuẩn. Trong khi TikTok không thể mở nhà máy sản xuất đồ ăn, mà chỉ có thể gom nhiều nhà sản xuất nguồn”, Minh tự tin.
Anh tiết lộ, hiện ngôi nhà anh ở là “hàng xóm” nhà máy sản xuất đồ ăn của Cooky. Đó là ngôi nhà ở quê mà anh mơ ước và hoàn thành sau thương vụ bán Foody.
Sau 5 năm bán Foody, 10 năm “đắm chìm” khởi nghiệp, anh luôn muốn có gì đó để chinh chiến tiếp. Theo Đặng Hoàng Minh, mỗi người đều có thời đỉnh cao để nắm bắt thời cơ. Minh đang ở độ tuổi như vậy, chín muồi để làm cái gì đó to hơn. Cooky chính là điều Minh tự tin sẽ lớn hơn Foody về mặt quy mô.
Cuộc cách mạng với hội chị em
Cooky với mô hình ban đầu là một mạng xã hội chia sẻ các công thức nấu ăn, một mô hình xuất phát từ Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nếu chỉ đơn giản chia sẻ công thức nấu ăn thì khó tăng trưởng. Tác động của mô hình đó chỉ ở mức vui vẻ chứ không thể mang tính cách mạng.
Với hội chị em bạn dì yêu nấu ăn, Cooky như một cuộc cách mạng thực sự. Với Cooky, từ mô hình mạng xã hội về công thức nấu ăn, đội ngũ phát triển đã suy nghĩ làm sao chuyển hóa thành một mô hình nào đó giúp ích cho những người nấu ăn trong thực tế, không chỉ cung cấp kiến thức về nấu ăn và anh đã nghĩ tới Fresh Delivery (giao thực phẩm).
Fresh Delivery trên thế giới có khá nhiều mô hình có thể tham khảo như HelloFresh của châu Âu, HappyFresh của Indonesia cũng đang hiện diện tại một vài nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia, Mỹ thì có Blue Apron… Nhà sáng lập Cooky ưa thích các mô hình tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Thực tế tại Việt Nam, mảng Fresh Delivery thì Grab cũng có GrabMart và Now có NowFresh, giờ là dịch vụ Fresh trong ShopeeFood… Tuy nhiên, Đặng Hoàng Minh cho rằng, các tên tuổi đó đi theo mô hình MarketPlace, tức là kết nối các người bán với người dùng cuối. Cooky lúc đầu cũng đi theo mô hình đó, bởi anh là dân công nghệ, chuyên xây dựng hệ thống, không phải người nấu ăn và bán đồ ăn. Khi làm theo hướng đi của Shopee và Grab - kết nối các siêu thị, cửa hàng, Cooky cũng đầu tư khá nhiều vào công nghệ và đã thử, nhưng mô hình không hiệu quả vì vận hành khó hơn.
Với cách làm Fresh Delivery như hiện tại, người dùng cuối khó chịu, nền tảng trung gian khó có lời. Vậy nên, dù đã đầu tư tốn rất nhiều tiền, anh vẫn quyết định Cooky phải chủ động giải bài toán.
Theo phương án tính toán: Một là, đi tìm chuỗi cửa hàng, siêu thị nào đó đầu tư hoặc mua luôn. Hai là, phải tự chủ, sản xuất ra sản phẩm để bán, kiểm soát được chất lượng và đảm bảo được trải nghiệm người dùng. Việc đầu tư hay mua một chuỗi cửa hàng, siêu thị rất khó. Vì thế, Cooky quyết định mở làm hai phần: phần công nghệ (Cooky App) và phần sản xuất (Cooky Market).
Phần công nghệ cho phép Cooky Market (là thương hiệu của riêng Cooky) bán sản phẩm cho người dùng cuối trên ứng dụng Cooky. Trong tương lai, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng tiện lợi bên ngoài cũng có thể tham gia bán hàng trên nền tảng của Cooky.
Phần sản xuất, Cooky Market cung cấp nhiều sản phẩm đa dạng, gồm hàng tươi (Fresh) như thịt, rau, cá… và mảng chủ lực là các món Ready-To-Cook (nguyên liệu thực phẩm đã sơ chế và sẵn sàng để nấu), ngoài ra còn các món có thể ăn ngay.
Cooky trước đây mang đến rất nhiều công thức nấu ăn, nhưng bây giờ, Đặng Hoàng Minh muốn làm sao để người phụ nữ khi mua đồ ăn về nhà chỉ mất một thời gian rất ngắn để nấu ra bữa ăn, với chất lượng tốt hơn, giá tốt hơn khi giao từ nhà hàng. Người dùng có thể chủ động trong việc nấu ngay hoặc để hôm sau nấu, nghĩa là có thể bảo quản được trong thời gian ngắn. Hiện tỷ lệ bán hàng Fresh và Package tại Cooky đang ngang nhau.
Cooky cung cấp hàng chục ngàn lượt phục vụ người dùng mỗi tháng. Mục tiêu trong vòng 5 năm tới là sẽ tăng độ phủ rộng khắp các tỉnh, thành phố và trở thành một trong những kênh cạnh tranh với các hệ thống hiện hữu như CoopMart, Tops Market, cùng nhiều đơn vị khác.
“Mảng Fresh Delivery cực kỳ thách thức, rất khó để làm và chưa ai thành công. Team chúng tôi muốn giải quyết được vấn đề này, kể cả mất mát cỡ nào đi nữa. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro với niềm tin thành quả đạt được sẽ vô cùng xứng đáng”, Đặng Hoàng Minh nói và thừa nhận đã tốn một khoản tiền không hề nhỏ vì đã đầu tư khá nhiều nguồn lực cá nhân vào Cooky.
Lần trước, anh làm Foody thành công phần vì có nhiều may mắn do thị trường tăng trưởng nhanh, nhiều tay chơi lớn nhảy vào làm thay đổi hành vi của người dùng… Tuy nhiên, về chiến lược, anh cho rằng, Cooky sẽ lớn hơn Foody, dòng tiền sẽ đến nhanh hơn. Bởi Foody ngày xưa chủ yếu đầu tư vào công nghệ, trong khi Cooky đầu tư vào đồ ăn nhiều hơn. Bên Trung Quốc có nhiều nhà máy sản xuất đồ ăn cho bên đặt hàng, ở Việt Nam chưa có nhiều. Nhà sáng lập này muốn Coooky sẽ trở thành như vậy.
Về mặt lợi nhuận, Minh tiên lượng, Cooky có thể sinh lời được luôn, vì có phần sản xuất, tối ưu được nguyên vật liệu sẽ tối ưu được chi phí, có thể lời được. Ngoài ra, có một số công ty tạp hóa điện tử trong khu vực có tỷ lệ giao dịch về đồ ăn chỉ khoảng 5%, nhưng có thêm nguồn thu từ quảng cáo và tài trợ từ các thương hiệu. Trong tương lai, Cooky cũng có thể làm được như vậy.
Còn trước mắt, Cooky có 2 ưu tiên hàng đầu: Một là sản phầm, bao gồm chất lượng tốt, công thức chế biến độc đáo và giá cả hợp lý; Hai là công nghệ.
“Tôi muốn xây dựng vững chắc mảng B2C (bán hàng tới người dùng cuối) và dần dần triển khai mảng B2B (bán hàng tới doanh nghiệp). Với mảng B2B, tôi rất tham vọng giải quyết được phần gốc của chuỗi cung ứng, xây dựng được một hệ sinh thái với những người nông dân để từ đó đảm bảo nguồn sản phẩm chất lượng nhất đến tay người dùng Cooky”, Đặng Hoàng Minh chia sẻ.
“Cú hích” gọi vốn
Cuối năm 2022, Cooky huy động 4,5 triệu USD từ hai quỹ đầu tư Nextrans và Do Ventures… Đây là một cú hích cho anh và các cộng sự trong bối cảnh việc gọi vốn đang rất khó khăn. Hướng đi của các start-up trước đây là chấp nhận đốt tiền để mua người dùng, đến một giai đoạn không gọi được vốn nữa thì buộc phải lựa chọn bán mình hoặc chấp nhận phá sản…
Cooky hiện tại vẫn chịu lỗ ở giai đoạn đầu tư nền tảng, nhưng khi tối ưu về con người, sản xuất, nguyên vật liệu, lỗ vẫn ở mức kiểm soát được.
“Chúng tôi may mắn có các nhà đầu tư cùng chia sẻ tầm nhìn đồng hành và hỗ trợ công ty trong giai đoạn đầu. Trong tương lai, khi đạt được dung lượng thị trường đủ lớn, chúng tôi sẽ dần tối ưu các chi phí để có lợi nhuận, mục tiêu là đạt điểm hòa vốn trong vòng 2 năm tới”, Đặng Hoàng Minh cho biết.
Thời điểm này không phải quá lạc quan. Tuy nhiên, anh luôn thôi thúc mình phải là người đi đầu, giống như thời làm Foody. “Người đi đầu có lợi thế là khi bạn chạy trước, thì mấy người sau chạy rất mệt để đuổi theo bạn. Đó là cái thôi thúc tôi nhiều nhất”, anh nói.
Không mơ mộng dự án khởi nghiệp của mình sẽ thành kỳ lân. Giờ anh chỉ mong làm sao để Cooky sóng sót qua thời điểm này, làm sao để phát triển. Cho đến khi nào anh đạt được mục đích thay đổi ngành F&B, thực phẩm sau 5-10 năm tới, anh mới tính đến thoái vốn.
“Tôi mong muốn công ty phát triển chứ không phải quyền sở hữu. Hơn nữa, nó cũng giúp các cổ đông thoái vốn với một khoản tiền kha khá vì đa số là con nhà nghèo, đầu tư rất nhiều công sức. Đó cũng là cách kiếm lại những gì đã mất, đã đầu tư cả thời thanh xuân tươi đẹp”, Đặng Hoàng Minh trải lòng.