Sau những chia sẻ của "người trong cuộc" Đỗ Bảo Dương, phóng viên Đầu tư Online tiếp tục ghi nhận những suy nghĩ của doanh nhân kỳ cựu Đỗ Cao Bảo xung quanh quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp của con trai mình. Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả.
*
* *
Là ‘lão tướng’ đồng sáng lập FPT, từng gây ấn tượng với giới doanh nhân về những phát ngôn ‘gây bão’. Giờ đây, khi chứng kiến cậu con trai 24 tuổi Đỗ Bảo Dương của mình khởi nghiệp trong đại dịch Covid-19 toàn cầu với dự án đầu tiên trong ngành F&B, ông cũng bồi hồi không kém.
Cho con đi du học ở nước ngoài và trở về nước ngay sau khi học xong, cũng tự tin với dự án khởi nghiệp đầu tay ở lĩnh vực F&B. Ông nhìn thấy tinh thần khởi nghiệp thể hiện và hun đúc ở con trai mình thế nào?
Điều may mắn đầu tiên là cháu đã tìm ra đam mê về F&B từ rất sớm. Năm 15 tuổi cháu đã nói với bố mẹ rằng cháu định hướng làm trong lĩnh vực F&B, nhưng gần đây cháu mới thú nhận rằng thực ra cháu đam mê F&B ngay từ năm 10 tuổi, nhưng vì sợ bố mẹ phản đối nên không dám nói ra.
Ngay năm đầu tiên sang Mỹ học Trung học phổ thông nội trú cháu đã xuống nhà ăn của trường đề nghị ông bếp trưởng cho cháu được nấu các món ăn Việt Nam cho bữa ăn của toàn trường. Rất may mắn là được ông bếp trưởng đồng ý. Những năm sau cháu còn mở lớp dạy nấu ăn các món ăn Việt Nam và Nhật Bản cho các bạn học sinh người Mỹ. Chính vì đam mê F&B nên tất cả các đợt thực tập, các kỳ nghỉ hè, cháu đều đi thực tập ở các nhà hàng, khách sạn ở Mỹ và Việt Nam (ngay từ năm thứ nhất).
Đỗ Bảo Dương, con trai của ông Đỗ Cao Bảo (áo kẻ) đang chế biến các món ăn Việt Nam trước sự chứng kiến của các bạn khi học phổ thông tại Baylor Highschool |
Chính vì đam mê nên khi đi thực tập, đi làm nhà hàng cháu không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng rửa bát, lau bếp, thông cống, cậy hào và rất nhiều công việc nặng nhọc khác, miễn là được trải nghiệm, được thực hành và được học hỏi được nhiều nhất.
Trong tất cả các dịp được đi các nước có nền ẩm thực hàng đầu thế giới, cháu đều tìm cách thưởng thức các món ăn đặc sắc của các nền ẩm thực hàng đầu thế giới: Pháp, Italy, Nhật Bản, Trung Quốc..., quá trình đó đã dần hun đúc một khát vọng làm chủ một nhà hàng Việt Nam đạt đẳng cấp sao Michelin và góp phần đưa ẩm thực Việt Nam trở thành một trong những nền ẩm thực số 1 toàn cầu.
Cháu khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp chính là để bắt đầu thực hiện khát vọng lớn lao ấy.
Trong hành trình khởi nghiệp của con, ông và gia đình có sự hỗ trợ gì? Có điều gì ông vẫn luôn nhắn nhủ và kỳ vọng nhiều hơn ở con?
Điều đầu tiên là tôi và gia đình luôn ủng hộ đam mê và kế hoạch khởi nghiệp của con. Bởi tôi tin tưởng sâu sắc rằng khi đã tìm ra sở trường, đam mê và dành trọn tâm huyết và nỗ lực cho lĩnh vực mình có sở trường thì tất yếu sẽ vừa thành công trong sự nghiệp mà còn hạnh phúc trong cuộc sống.
Tiếp theo chúng tôi góp ý, phản biện các kế hoạch kinh doanh của con, tư vấn cho con muốn làm chủ một nhà hàng, một công ty thì cần những kiến thức, những trải nghiệm gì.
Tôi thường hay tâm sự với cháu về các nguyên lý cơ bản nhất để thành công trong cuộc sống và sự nghiệp là không bao giờ đặt việc kiếm tiền, làm giàu lên trên niềm đam mê, tầm quan trọng của tinh thần và thái độ phục vụ trong ngành dịch vụ, sự chân thành trong các mối quan hệ bao gồm cả mối quan hệ với khách hàng, đối tác, về lòng biết ơn, sự cho đi và nhận lại....
Doanh nhân Đỗ Cao Bảo |
Từ tinh thần khởi nghiệp của con trai mình, nhìn rộng ra với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, ông thấy có điều gì mà thế hệ doanh nhân đi trước như mình thấy cần phải chia sẻ thêm và điều gì mình không nên tham gia? Bởi có nhiều phụ huynh rất muốn con phải nghe lời mình?
Nếu có một điều gì của thế hệ doanh nhân đi trước muốn chia sẻ với thế hệ trẻ thì đó chính là khát vọng vươn tới, khát vọng thay đổi cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu mà thế hệ chúng tôi đã nếm trải.
Khát vọng ấy của thế hệ sau mà không đủ lớn thì sẽ không đủ sức mạnh để vượt qua khó khăn, trở ngại trên con đường sự nghiệp.
Điều thứ 2 chính là làm sao thế hệ trẻ ngày nay, được sinh ra và lớn lên trong điều kiện tốt hơn, sung sướng hơn thì cần phải có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để vượt qua bất cứ khó khăn, thách thức nào.
Thế hệ chúng tôi rất nhiều phụ huynh vẫn muốn con cái phải học và đi làm đúng lĩnh vực của cha mẹ hay lĩnh vực mà cha mẹ thích, lĩnh vực hot, dễ xin việc, có thu nhập cao mà không hề quan tâm đến sở thích, sở trường và đam mê của con mình. Đấy là điểm tối kỵ, nhất định bố mẹ không nên can thiệp vào, nếu có tham dự thì chỉ nên giới hạn trong việc giúp con mình tìm ra sở trường và đam mê, nếu con mình chưa tìm ra.
Ông Đỗ Cao Bảo từng chia sẻ, sở dĩ ông có được như ngày hôm nay, một phần rất lớn là nhờ đã học được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm về kinh doanh, về quản trị khách hàng trực tiếp từ những doanh nhân người Mỹ, người Italy, người Pháp, người Nhật, người Hàn Quốc, người Singapore, người Malaysia là đối tác kinh doanh của FPT. Đặc biệt, ông đã nhận được sự tín nhiệm, tin cậy, yêu quý và hỗ trợ vô cùng to lớn và hiệu quả của rất nhiều khách hàng cả ở Việt Nam và các quốc gia khác.
Từ những điều học được đó, ông nghiệm thấy mình đã có “chất” riêng của doanh nhân đất Việt? Và điều gì tạo nên bản chất của doanh nhân toàn cầu? Ông đã kết hợp những yếu tố đó thế nào để tồn tại được ở Việt Nam và có thể vươn ra thế giới bất kỳ lúc nào?
Nếu tìm ra cái “chất” của riêng mình thì có lẽ đó là tinh thần phục vụ, luôn quan tâm, luôn lắng nghe mọi nhu cầu của khách hàng, luôn nỗ lực mang lại giá trị và lợi ích cao nhất cho khách hàng. Cái này người ta khái quát hoá lên thành “ám ảnh vì khách hàng”, nghĩa là tâm trí luôn nghĩ đến khách hàng mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong bữa ăn, giấc ngủ.
Việt Nam chúng ta là quốc gia thuộc nhóm “ăn đũa” Á Đông, có đầy đủ văn hoá và đức tính của nhóm Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Hoa và Hàn Quốc), nhưng lại có 100 năm thuộc Pháp, ngấm văn hoá Pháp.
Có nghĩa là Việt Nam là giao thoa của văn hoá Pháp và Đông Bắc Á, đấy là nhân tố giúp doanh nhân, doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới, đủ tâm thế để vừa hợp tác, làm ăn được với các nước Âu - Mỹ, vừa hợp tác, làm ăn được với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore. Đây chính là vốn rất quý của người Việt cần được khai thác và phát huy.
Một phần là bởi chính chất lượng, tính khả thi của các dự án, ý tưởng, nhưng mặt khác, môi trường để khởi nghiệp tại Việt Nam cũng là điều được nhắc đến, với những đánh giá theo hướng chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, dẫn đến câu chuyện một số dự án khởi nghiệp phải "khai sinh" ở nước ngoài để phát triển.
Nhưng những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, về khởi nghiệp, sáng tạo nói riêng cũng đã và đang có những bước tiến đáng kể, tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp. Việt Nam ngày càng được nhiều start-up chọn để khởi nghiệp, kể cả các doanh nhân, các bạn trẻ học tập, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài.
Vậy lựa chọn khởi nghiệp ở Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì? Đâu là những điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ? Những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng của bạn để có thể biến Việt Nam thành "thiên đường" khởi nghiệp?
Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, những băn khoăn, trăn trở, tâm huyết của bạn xoay quanh chủ đề "Khởi nghiệp ở Việt Nam - tại sao không?". Quý vị gửi ý kiến ở phần bình luận của bài viết, hoặc gửi về địa chỉ: huyhaodautu@gmail.com.