Ông Đỗ Văn Thức đại diện Đất Việt Tour nhận chứng nhận “Top 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tốt nhất Việt Nam 2019” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Phải biết chọn thử thách
Xuất thân trong một gia đình ở vùng quê nghèo thuộc tỉnh Nam Định, ngay từ khi còn nhỏ, Đỗ Văn Thức đã xác định chỉ có học hành mới giúp thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, chàng học sinh nghèo đã chịu cú sốc đầu đời, khi là học sinh lớp chọn mà thi trượt đại học.
Không chịu được áp lực, cũng như trốn tránh sự soi mói, dè bỉu của mọi người, chàng thanh niên ấy né tránh bằng cách đi học nghề sửa chữa xe máy, rồi vào Đà Lạt ở với họ hàng, sau đó xuống TP.HCM làm công nhân.
Cuộc sống công nhân khổ cực, không có tương lai, không cam chịu thất bại, Thức quyết tâm thi lại đại học. Chỉ hơn 2 tháng dồn hết tâm sức, quyết tâm cao độ quay lại con đường học hành, Thức thi đỗ vào Khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) năm 2000, với số điểm khá cao.
Năm thứ nhất đại học, có người thấy cậu sinh viên cao ráo, lại lanh mồm miệng, nên gợi ý theo nghề hướng dẫn viên du lịch. Thấy nghề hay, nhưng không nỡ bỏ ngành lịch sử, nên anh chọn một trường cao đẳng để học song song. Nghĩ là làm, năm 2001, anh thi đậu và theo học ngành du lịch tại Trường cao đẳng Văn hóa TP.HCM (nay là Trường đại học Văn hóa TP.HCM).
- Ông Đỗ Văn Thức, đồng sáng lập Đất Việt Tour
Học hai ngành ở hai trường khác nhau là một việc rất khó, thế nhưng với Đỗ Văn Thức thì khác, cậu không chỉ tốt nghiệp hai trường đúng hạn, mà còn nhận được nhiều học bổng khác nhau. Năm thứ ba đại học, để học hỏi và kiếm thêm thu nhập trang trải việc học hành, Thức đã đi làm thêm ở các công ty tổ chức sự kiện, du lịch.
Năm 2004, Thức ra trường và làm hướng dẫn viên cho Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình Việt Nam (Peace Tour). Hai năm sau đó, vì vấn đề sức khỏe, nghe lời gia đình, Thức nghỉ làm về học thạc sĩ để chuyển sang dạy học. Năm 2006, ông là học viên cao học Khoa Lịch sử, đồng thời học tiếng Anh văn bằng hai (đều tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM). Năm 2008, Thức bảo vệ luận văn thạc sĩ thành công với 9,6 điểm và làm hồ sơ thi nghiên cứu sinh.
Khi bước đầu tập làm công tác giảng dạy, Thức thấy công việc này không hợp lắm, trong khi lĩnh vực du lịch đang có nhiều cơ hội phát triển để kiếm tiền và ổn định cuộc sống tương lai. “Đi dạy ổn định, nhưng xuất thân nghèo khó làm tôi không thể quên ước mơ muốn có một ngôi nhà có hộ khẩu ở TP.HCM. Trước sự thôi thúc của tuổi trẻ, tôi quyết định giấu gia đình để quay lại làm du lịch”, vị doanh nhân thế hệ đầu 8x cho biết.
Năm 2008, Thức nhận được lời mời về làm Trưởng phòng Kinh doanh tại Công ty cổ phần Quảng cáo - Du lịch Đất Việt (tại 192Bis - Cách mạng tháng Tám, phường 10, quận 3). Mặc dù chưa có kinh nghiệm về kinh doanh, nhưng sự nhiệt tình của vị giám đốc đã khiến ông không thể từ chối.
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành du lịch trở nên khó khăn, lượng khách sụt giảm, nhiều công ty đóng cửa. Tháng 8/2009, vị giám đốc này quyết định ngưng hoạt động Công ty.
Để trả công cho sự đóng góp và gắn bó, giám đốc cho lại Đỗ Văn Thức và một người đồng nghiệp tên công ty và một số đồ dùng để tự hoạt động. Đây chính là bước ngoặt để Thức trở mình.
Tháng 9/2009, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Du lịch Đất Việt (Đất Việt Tour) được thành lập, với trụ sở tại 198 - Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Không có tiền, khó tuyển được nhân viên, để tìm kiếm khách hàng, mỗi ngày, Đỗ Văn Thức phải lên trên mạng kiếm thông tin và “telesales”. Trong hàng trăm cuộc gọi và những bảng báo giá được gửi qua fax, email…, cuối cùng may mắn cũng mỉm cười, khi Đất Việt Tour nhận được đơn hàng tổ chức một tour Phú Quốc với hơn 200 người của Viettel. Lúc này, ông và đồng nghiệp đã gom hết tất cả tài sản được 12,8 triệu đồng, vay thêm 30 triệu nữa để đặt vé máy bay và tổ chức tour đầu tay. Sau thành công đó, Công ty có thêm kinh phí và thời gian để duy trì hoạt động.
Nhờ đầu tư vào công nghệ, có chiến lược phát triển đúng hướng, Đất Việt Tour đã nhanh chóng phát triển, tạo dựng được thương hiệu trong lòng khách hàng. Công ty đã đạt được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có chứng nhận “Top 10 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tốt nhất Việt Nam 2019” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; “Top 10 công ty du lịch uy tín năm 2020” do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) khảo sát đánh giá và trao tặng…
Kinh doanh phải biết đương đầu
Khi thành lập, Đất Việt Tour tập trung vào mảng kinh doanh có thế mạnh nhất là khách đoàn nội địa. Sau 2-3 năm, khi có được sự tin yêu của nhiều khách hàng, cộng với sự thuận lợi của thị trường du lịch, quy mô Công ty dần được mở rộng.
“Khi quy mô Công ty nhỏ, chưa thể tự tổ chức đưa khách đi, thì chúng tôi bán khách cho công ty khác. Đến khi Công ty đủ lực, khách khách có nhu cầu đến đâu, chúng tôi lại mở dịch vụ đến đó. Bây giờ, từ việc đặt vé máy bay, dẫn tour nước ngoài, Công ty đều tự làm hết”, đại diện Đất Việt Tour chia sẻ.
Đỗ Văn Thức cũng hiểu rằng, để có thể tồn tại lâu dài và phát triển nhanh, cần có sự hợp tác với công ty lớn đầu ngành, các tập đoàn có tiếng tăm. Chỉ khi làm được việc đó, thì mới có thể thuyết phục được khách hàng lớn. Vì vậy, có những tour của khách hàng lớn, số lượng người đông, Công ty sẵn sàng làm hòa vốn hoặc lợi nhuận cực thấp. Nhờ vậy, Đất Việt Tour đã liên tục thành công, đạt được nhiều kết quả tốt khi tổ chức tour cho những “ông lớn” như Thế giới Di động, FPT, Vingroup, Golden Gate, Masan…
Đặc biệt, sau lần tổ chức tour và team building cho 2.000 - 3.000 nhân viên Thế giới Di động (năm 2012), Đất Việt Tour được Thế giới Di động tiếp tục lựa chọn làm đơn vị tổ chức trong 6 năm tiếp theo. “Đây là một doanh nghiệp lớn, nên tiêu chí lựa chọn đối tác rất khắt khe, giá cạnh tranh và hiếm có đơn vị nào hợp tác quá 3 năm. Hai năm qua, do tình hình dịch bệnh, nên việc hợp tác bị gián đoạn”, ông Thức chia sẻ.
Trước tình hình kinh doanh nhiều triển vọng (trước khi dịch Covid-19 xảy ra), Đất Việt Tour từng tham vọng sau vài năm sẽ đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng và xa hơn nữa là IPO trên sàn chứng khoán. Mục tiêu này hiện vẫn không đổi, nhưng để thực hiện có lẽ khó khăn hơn vì Covid-19 bùng phát, để lại hậu quả nặng nề cho ngành du lịch.
Ông Thức kể, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát thì cũng là lúc mọi thứ bắt đầu thay đổi, nhiều công ty ngành du lịch phải đóng cửa, ngưng trả lương nhân viên. Khi đó, chỉ cần tạm đóng cửa để tránh dịch, thì sẽ không tổn hại quá lớn. Thế nhưng, Đỗ Văn Thức và cộng sự đã không làm vậy. “Lúc đó, tôi và cộng sự cũng suy nghĩ rất nhiều. Nhưng nghĩ đến lúc nhân viên cần mình nhất mà mình đẩy họ ra đường, thì chắc chắn mai mốt, khi kêu quay lại, họ sẽ không về làm. Những lúc khó khăn như này, họ mới thấy được giá trị của công ty”, ông Thức tâm sự.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới Công ty là rất lớn, nếu như doanh thu năm 2019 của Công ty đạt gần 500 tỷ đồng, thì năm 2020 đã giảm còn 100 tỷ đồng và tiếp tục giảm còn hơn 10 tỷ đồng vào năm 2021. Công ty phải đóng cửa 2 chi nhánh, dự tính lỗ 48 tỷ đồng, ước chừng kéo lùi sự phát triển Công ty mất 5 năm, dòng tiền kinh doanh âm sâu, không đủ duy trì hoạt động.
Để giải quyết khó khăn, Đỗ Văn Thức và cộng sự quyết định bán một căn nhà và cầm cố một căn nhà cùng với một số xe vận chuyển khách để lấy tiền trả nợ ngân hàng, mặt bằng, trả lương và hỗ trợ nhân viên. Việc tìm khách trong mùa dịch quá khó khăn, khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Tháng 8/2021, Công ty “quá đuối” vì không thể trả lương và hỗ trợ nhân viên, nhưng đến tháng 10/2021, Công ty đã bắt đầu được hoạt động trở lại.
Nhận định năm 2022, du lịch nội địa bùng nổ, sau một thời gian dài cách ly. Nhiều công ty sợ không dám hoạt động hoặc không đủ nhân lực. Trong khi đó, với hơn 80% nhân sự vẫn còn, Đỗ Văn Thức đã nhanh chóng đưa một số nhân viên phụ trách outbound (du lịch nước ngoài) về tập trung mảng du lịch nội địa. “Trong thâm tâm, lúc đó, tôi coi đây là nỗ lực cuối cùng. Đó cũng là một quyết định khá liều, bởi nếu thất bại, Công ty sẽ sụp đổ và không thể cứu vãn. Ngược lại, nếu thành công, Công ty sẽ quay lại vinh quang. Đây là một quyết định được ăn cả, ngã về không”, Thức chia sẻ.
Một lần nữa, may mắn đã mỉm cười khi mọi chuyện đều suôn sẻ, Công ty hoạt động tốt và vượt qua khó khăn. Thời điểm hiện tại, doanh thu mảng “outbound” chưa nhiều, nhưng doanh thu du lịch nội địa rất khả quan. Tính tới hết quý III/2022, Đất Việt Tour đã phục vụ hơn 120.000 lượt khách nội địa, với doanh thu tăng 30% so với năm 2019. Ngoài ra, việc cho thuê xe vận chuyển khách hàng đã giúp Công ty có được dòng tiền duy trì hoạt động. Đất Việt Tour đã bắt đầu phục hồi, chuyển mình nhanh chóng.
Từ một chàng trai vào TP.HCM với hai bàn tay trắng, không mối quan hệ, không quen biết và bắt đầu chỉ dựa vào sức mình, Đỗ Văn Thức đã đạt được những điều mong muốn trước kia. Thành công của Đất Việt Tour là đáng để tự hào và ông hy vọng, nhân viên Công ty sẽ luôn tự hào về thương hiệu và công ty này. Đồng thời, ông mong muốn mọi người trong Công ty sẽ có được cuộc sống đầy đủ khi làm việc tại đây.
“Không ai cấm mình ước mơ làm chủ, cũng không ai cấm mình khát khao làm giàu và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Nhưng trước khi làm chủ, hãy đi làm thuê cho đủ độ chín, đừng ảo tưởng về bản thân để rồi phải vấp ngã quá nhiều. Càng trong hoàn cảnh nghèo khó, chúng ta càng phải nỗ lực, trước tiên vì bản thân và sau đó vì gia đình. Tôi rất thích một câu ai đó đã từng nói: “Cuộc đời là một dòng sông, kẻ nào không chịu học bơi sẽ bị nước nhấn chìm”, ông Đỗ Văn Thức nói.