Doanh nhân Lê Thị Giàu. |
Kín đơn hàng từ đầu năm, xây nhà máy mới hơn chục triệu USD
Năm 2024, Bình Tây Food đặt mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị 50 triệu USD. Thị trường xuất khẩu là nơi tiêu thụ 70 - 80% sản lượng sản phẩm của Công ty, còn lại là thị trường nội địa.
Về thị trường xuất khẩu, hiện Bình Tây Food đã kín đơn hàng cho cả năm 2024 và đang mở rộng cơ sở sản xuất để nâng cao năng lực cung ứng. “Phở, miến, cháo... của Việt Nam được hầu hết các nước ưa chuộng. Khách hàng từ Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan đặt hàng liên tục. Ba tháng đầu năm, đơn hàng dồn dập, Bình Tây Food đã hoạt động hết công suất, nhưng vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng, nên phải mở rộng quy mô”, bà Giàu chia sẻ.
Ngoài nhà xưởng quy mô lớn trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), Bình Tây Food đã nhận chuyển giao dây chuyền, công nghệ sản xuất của một đơn vị tại Đài Loan và đầu tư xây dựng nhà máy tại Trảng Bom (Đồng Nai) trị giá hơn chục triệu USD. Bà chủ mì Bồ Đề tiết lộ, nhà máy đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và sẽ sớm đi vào hoạt động chính thức.
Tại thị trường nội địa, sản phẩm của Bình Tây Food đang có mặt tại các hệ thống Top Market, Mega Market, Family Mart, Coop Mart... và thời gian tới sẽ vào chuỗi siêu thị Go!.
Mới đây nhất, bà Giàu đã đầu tư khoản kinh phí lớn để mua hàng loạt thiết bị chụp và sàng lọc ung thư cổ tử cung sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo CerviCare Al của Hàn Quốc tặng miễn phí cho các sở y tế, bệnh viện tại nhiều tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Bình Định, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh…
Là doanh nghiệp gia đình, nhưng với tiềm năng khai thác thị trường xuất khẩu khá lớn, Bình Tây Food đã dành rất nhiều chi phí để đầu tư nhà máy hiện đại theo chuẩn Net Zero, sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn - xu hướng tất yếu để đạt tiêu chuẩn của các thị trường nước ngoài khó tính.
Không chỉ làm sản phẩm chế biến từ gạo, Bình Tây Food bắt đầu mở rộng, định hướng kết nối với thế giới bằng con đường ẩm thực và văn hóa ẩm thực Việt Nam. Khởi đầu cho hành trình này là chuỗi thương hiệu Phở Ta được mở ở Hàn Quốc. Phở Ta cũng là tên của thương hiệu phở ăn liền mà Bình Tây Food đã xuất khẩu thành công sang nhiều nước.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng giá, nhất là gạo, khiến doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Bà Giàu cho biết, nếu năm ngoái, giá gạo chỉ 10.000 -11.000 đồng/kg, thì hiện nay đội lên 17.000 đồng/kg. Cộng thêm tình hình căng thẳng ở biển Đỏ khiến hàng xuất khẩu bị tăng chi phí vận chuyển, nhưng giá sản phẩm lại không tăng được, buộc doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nếu không cân đối hợp lý.
Khởi nghiệp từ đồ chay, tự tin với vị thế riêng
Nhiều sản phẩm của Bình Tây Food trước đây thường được gọi là “Bồ Đề” - cái tên khá quen thuộc với người tiêu dùng thế hệ 7x, 8x. Bà chủ Bình Tây Food chia sẻ, mì chay Bồ Đề là một trong những sản phẩm đầu tiên làm nên thương hiệu trong những năm đầu khởi nghiệp của bà (giai đoạn 1963 - 1970).
“Thời điểm đó, người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn với sản phẩm chay ăn liền, nên sự ra đời của mì chay Lá Bồ Đề rất hợp thời, lại đáp ứng được nhu cầu về giá cả, nên tạo được tiếng vang, tồn tại hơn 50 năm và lọt top những sản phẩm lâu đời nhất của người Việt”, bà Giàu tự hào kể.
Nếu như mì chay Lá Bồ Đề được ưa chuộng, xuất hiện nhiều trong lễ Vu Lan và lễ cúng dường tại các chùa ở phía Nam, thì các sản phẩm chay do Bình Tây Food sản xuất như mì lẩu nấm khá phổ biến tại khu vực miền Bắc. Sản phẩm bún gạo Nàng Hương của doanh nghiệp này một thời luôn xuất hiện trên các
kệ tạp hóa của người dân miền Tây.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng hình ảnh thương hiệu… Bà Lê Thị Giàu nhìn nhận, là một doanh nghiệp gia đình, lại không kêu gọi vốn đầu tư, tất nhiên, Bình Tây Food không thể so sánh với các doanh nghiệp quy mô hàng ngàn lao động có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng doanh nghiệp rất tự tin vì có nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng riêng.
“Trên kệ siêu thị ở Mỹ, Hàn Quốc, không chỉ có sản phẩm của Acecook, Vifon, mà sản phẩm của Bình Tây Food, Bích Chi… cũng rất nhiều. Điều đó cho thấy, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thực phẩm Việt rất lớn”, bà Giàu dẫn chứng.
Người đứng đầu Bình Tây Food khẳng định, Công ty không chỉ dựa vào “hào quang cũ”, mà đang liên tục ứng dụng công nghệ AI, đổi mới dây chuyền sản xuất, chế biến để đáp ứng thị hiếu của người dùng trong nước lẫn xuất khẩu.
Bà Giàu cũng đang dần chuyển giao công việc quản lý cho con trai Nguyễn Lê Phước Thắng - hiện giữ chức vụ Giám đốc thị trường nước ngoài của Bình Tây Food. Mục tiêu của Công ty trong năm 2024 là giữ vững, nâng tầm chất lượng sản phẩm thông qua đầu tư chuyển đổi số, sử dụng nguyên vật liệu theo chí tiêu xanh, ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ công nhân, trình độ quản lý, đạt các chứng chỉ quốc tế; sáng tạo và nâng cấp mẫu mã, bao bì hàng hóa.
Sau nhiều năm chinh chiến trên thương trường, tâm nguyện của bà chủ thương hiệu thực phẩm chay lâu đời nhất Việt Nam là thế hệ kế cận phải luôn đi theo lĩnh vực nông nghiệp. Bà đã truyền lửa để các con yêu sản phẩm nông nghiệp và đưa sản phẩm Việt Nam vươn xa ra thế giới.
Thời gian qua, Bình Tây Food liên tục có những hoạt động hỗ trợ nông sản Việt bằng cách liên kết chuỗi cung ứng với bà con nông dân để đưa nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thế giới. “Tôi muốn phát triển thương hiệu hạt gạo Việt Nam và sản phẩm của mình phải lấy nguyên liệu từ gạo ngon bậc nhất, nên đã đầu tư vùng trồng gạo Nàng Thơm Chợ Đào, ST25 với diện tích 500 ha”, nữ Chủ tịch Bình Tây Food chia sẻ.